Vì sao hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động?

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cho rằng, đây chính là sự linh hoạt, năng động trong chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của khu vực tư nhân.
Vì sao hàng loạt doanh nghiệp ngừng hoạt động?

Ông lý giải thế nào trước thực trạng doanh nghiệp thành lập nhiều, nhưng đóng cửa, ngừng hoạt động cũng không ít?

Trong điều kiện hội nhập kinh tế sâu rộng, biến động của kinh tế thế giới tác động ngày càng nhanh và mạnh đến Việt Nam, vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước cũng gặp nhiều biến động. Tuyệt đại đa số doanh nghiệp mới đăng ký thành lập có quy mô vốn rất nhỏ (chỉ 10 - 12 tỷ đồng), gặp sự biến động của thị trường ngoài dự kiến ban đầu, nên phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Cũng do nền kinh tế hội nhập, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày một đa dạng, phong phú, ngày càng có thêm nhiều ngành nghề mới, lĩnh vực mới, cơ hội kinh doanh mới mở ra, vì vậy, sau một thời gian thành lập và đi vào hoạt động, doanh nghiệp thấy hoạt động hiện tại hiệu quả thấp, nên thông báo với cơ quan thuế tạm ngừng hoạt động (để không phải làm các thủ tục hành chính thuế), nhằm tìm kiếm cơ hội mới, đầu tư vào ngành nghề kinh doanh khác, lĩnh vực khác và quay trở lại hoạt động. Trong đó, nhiều chủ doanh nghiệp làm các thủ tục chấm dứt hoạt động, sau đó thành lập doanh nghiệp mới để kinh doanh ngành nghề khác, lĩnh vực khác hiệu quả hơn. Đây là sự linh hoạt, năng động trong chuyển đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, địa bàn kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân trong cơ chế thị trường.

Nhưng không ít người lo ngại trước thực tế số lượng doanh nghiệp năm 2018 ngừng hoạt động tăng đột biến, thưa ông?

Năm 2018, có 90.650 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng gần 50% so với năm 2017, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. Ngoài nguyên nhân như tôi đã nói, còn có nguyên nhân là thực hiện chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ tháng 4/2018, phòng đăng ký kinh doanh ở các tỉnh, thành phố trong cả nước rà soát, chuẩn hóa dữ liệu, loại bỏ những doanh nghiệp không còn hoạt động trong thời gian dài. Con số hơn 90.650 doanh nghiệp ngừng hoạt động được thống kê năm 2018 không phải chỉ là những doanh nghiệp đóng cửa, giải thể trong năm 2018, mà còn của các năm trước.

Theo thống kê, trong 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể năm 2018, có tới hơn 18.100 đơn vị ngừng hoạt động từ nhiều năm trước, nên nếu trừ đi số này thì năm 2018 chỉ có 45.425 doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký, chờ giải thể, chỉ tăng chưa đến 17% so với năm 2017. Tôi cho rằng, số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể cao đã phản ánh môi trường kinh doanh thông thoáng, thành lập doanh nghiệp đơn giản thì ra khỏi thị trường, thay đổi hoạt động cũng phải đơn giản, dễ dàng.

Điều đáng lo ngại là, trong tháng 1/2019 có 10.079 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số lượng so với cùng kỳ năm 2017, trong khi có tới 10.804 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 25% so với tháng 1/2018.

Nguyên nhân của tình trạng này như tôi đã nói ở trên và điều này không đáng lo ngại vì mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, nhưng vốn đăng ký kinh doanh tăng gần 54%; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 chỉ có 9,1 tỷ đồng. Quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp tăng cũng đồng nghĩa với “sức khỏe” tăng, giảm được tỷ lệ doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, giải thể do quy mô vốn quá nhỏ, không đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hơn nữa, trong tháng đầu năm nay còn có 8.465 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 84,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2019 hơn 18.540 đơn vị, gấp hơn 1,7 lần số doanh nghiệp ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động.

Trên 90% số doanh nghiệp ngừng hoạt động, hoàn tất thủ tục giải thể có quy mô rất nhỏ, vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng và chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy..., nên dù số lượng tăng cũng không đáng lo ngại, không ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của khu vực doanh nghiệp.

Với tình hình này, ông có hy vọng, hết năm 2020, sẽ có 1 triệu doanh nghiệp?

Kết thúc năm 2018, cả nước có 700.650 doanh nghiệp đang hoạt động. Để có 1 triệu doanh nghiệp, thì năm 2019 và năm 2020, bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 12.470 đơn vị nữa. Trong tháng 1/2019, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động là hơn 18.500, nếu trừ đi số đã hoàn tất thủ tục giải thể, thì có 16.700 doanh nghiệp tham gia thị trường. Với tình hình này, việc đạt mục tiêu doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2020 về lý thuyết là có thể thành hiện thực.

Còn trên thực tế, triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã có hàng loạt cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương rất quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; loại bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; giảm tối thiểu thanh tra, kiểm tra chuyên ngành… đã tạo niềm tin cho người dân tham gia thị trường. Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 119/2018/NĐ - CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cũng sẽ thúc đẩy hộ kinh doanh lớn chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, vì cơ quan thuế không bán hóa đơn lẻ truyền thống như trước nữa.

Cả trên lý thuyết và thực tế, tôi có niềm tin rằng, con số 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020 có thể thành hiện thực.

Theo Mạnh Bôn/Báo Đầu Tư

baodautu.vn/vi-sao-hang-loat-doanh-nghiep-ngung-ho https://baodautu.vn/vi-sao-hang-loat-doanh-nghiep-ngung-hoat-dong-d95509.html

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…