Trong khi chi phí đầu vào sản xuất đã tăng cao 30-50% thì việc vay vốn của doanh nghiệp lại đang khó khăn hơn bao giờ hết khi nhiều ngân hàng từ chối cho vay với lý do đã dùng hết hạn mức tín dụng (room).
Việc “cạn” nguồn không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp mà chính nhân viên ngân hàng cũng “đau đầu” không kém khi tính đến đầu tháng 8, chưa một nhà băng nào được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận nới room, khiến hoạt động cho vay phải dừng lại.
“Thậm chí nhiều hồ sơ đã được ký phê duyệt mà phải dừng giải ngân do ngân hàng đã hết room, khách hàng đành phải chờ được cấp thêm room hoặc có khách trả nợ”, một nhân viên ngân hàng cho biết.
Ngay cả tại các ngân hàng chưa hết room thì việc sử dụng "room" tín dụng còn lại cũng được lựa lọc kỹ càng hơn, việc thẩm định hồ sơ khách hàng cũng chặt chẽ hơn.
Trước thực trạng này, tại Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng, NHNN cho biết vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 14% nên việc nới hạn mức sẽ diễn ra chọn lọc giữa các ngân hàng với mức độ sẽ không quá cao.
Lý giải nguyên nhân, NHNN cho biết, các tổ chức tín dụng tăng trưởng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng đạt 9,4% tính đến cuối tháng 7, không chỉ cao hơn cùng kỳ 2 năm 2020 - 2021 khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà vượt cả năm 2019.
Bên cạnh đó, NHNN còn cho rằng, việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do ngân hàng hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...
Bởi lẽ, với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số tổ chức tín dụng chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ chính sách tiền tệ cho biết, trong 3 năm gần đây nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại đều đạt trên 20%/năm, vượt xa khả năng quản trị rủi ro của chính ngân hàng và khả năng cung ứng vốn của nền kinh tế.Do đó, nếu nới room cho các ngân hàng, lượng tiền đổ vào nền kinh tế sẽ rất lớn, từ đó tạp áp lực lên lạm phát.
Ngoài ra, việc tăng hạn mức tín dụng có thể dẫn đến một cuộc đua tăng lãi suất huy động, từ đó gây ra phản ứng dây chuyền là lãi suất huy động tăng, dẫn tới lãi suất cho vay tăng, kéo theo nợ xấu tăng.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng 14% của năm 2022 đã tương đương với hơn 1,46 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế qua kênh cho vay đang là mức hợp lý. Mức tăng trưởng này sẽ đảm bảo được mục tiêu lạm phát, không tạo ra áp lực với việc cung ứng vốn từ nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, nếu quá siết chặt sẽ dẫn đến thiếu vốn từ đó khiến giá cả leo thang, điều này vẫn khiến lạm phát tăng cao. Do đó, ông Nghĩa cho rằng, room tín dụng vẫn nên được ưu tiên cấp cho những ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt và ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.