Từ đầu năm, NHNN đã đặt mục tiêu điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14%, nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình thực tế.
Tính đến ngày 30/6, NHNN cho biết, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,35% so với cùng kỳ năm 2021 (6,47%), là mức tăng trưởng rất cao do nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao sau 2 năm gần như "đóng băng" vì dịch bệnh. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, dư địa tăng trưởng tín dụng chỉ còn 4,64%.
Nhưng nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã sử dụng hết 2/3 chỉ tiêu tín dụng cả năm. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng giám đốc ABBank, ngân hàng đã sử dụng hết hơn 99% room tín dụng cả năm. Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đã lên tới 6%, trong khi room tín dụng cả năm chỉ được NHNN cấp cho 7%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB chia sẻ, mùa vụ kinh doanh vốn của ngân hàng thường rơi vào 2 quý cuối năm, nên OCB mong muốn có thêm dư địa cho vay.
Nhu cầu về tín dụng càng bức thiết hơn khi các ngân hàng còn đang gấp rút triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp theo gói 40.000 tỷ đồng đã được phê duyệt và hướng dẫn triển khai. Mới đây nhất, SHB cho biết đã quyết định tung gói hỗ trợ lãi suất 710 tỷ đồng, NCB cũng đã đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng… đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong 2 năm 2022-2023.
Tuy vậy, để kiểm soát lạm phát, NHNN đang thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Tại hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm của NHNN cách đây ít hôm, NHNN đã ra thông điệp không nới thêm room tín dụng như kỳ vọng của các ngân hàng thương mại.
Đại diện NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng cần chọn lọc, thẩm định, cho vay các dự án hiệu quả, có khả năng trả nợ, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời cần tiếp tục kiểm soát chặt lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao để đảm bảo an toàn hệ thống.
Những ngày này, kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại đã dần lộ diện, hiện quán quân đang thuộc về VPBank với lợi nhuận trước thuế 15.300 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ. Techcombank cũng ghi nhận tới hơn 14.000 tỷ đồng, MB với lợi nhuận hơn 10.600 tỷ đồng...
Tín dụng bật tăng mạnh trong nửa đầu năm như nêu ở trên đã đóng góp rất lớn vào cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong đó, tín dụng của các ngân hàng chủ yếu đến từ tín dụng bán lẻ, đặc biệt là phân khúc cho vay mua nhà. Chẳng hạn, tại Techcombank, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân nửa đầu năm nay tăng 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 205.400 tỷ đồng, chiếm 46,6% danh mục tín dụng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước.
Việc NHNN yêu cầu siết chặt tín dụng bất động sản và trái phiếu trong năm nay khiến tổng dư nợ cho vay khách hàng lớn (bao gồm cho vay và trái phiếu doanh nghiệp) của Techcombank giảm 7% chỉ còn 37,7% tổng dư nợ tín dụng, giảm đáng kể so với mức 49% cùng kỳ năm trước.
Vì thế, theo các chuyên gia, lợi nhuận trong những tháng còn lại của năm 2022 của các ngân hàng phụ thuộc rất nhiều vào hạn mức tăng trưởng tín dụng. Với kết quả trong nửa đầu năm thì hạn mức còn lại của nhiều ngân hàng đang rất eo hẹp, sẽ khiến bức tranh lợi nhuận phân hóa mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Trước đó, nhiều chuyên gia và báo cáo của các công tư chứng khoán dự báo đợt nâng room tín dụng có thể rơi vào quý 4/2022 hoặc đầu năm 2023. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ nên ở mức 14% - tức là sẽ có khoảng trên 1,46 triệu tỷ đồng tín dụng được bơm ra trong năm 2022.
Mức tăng trưởng này vừa sẽ đảm bảo được mục tiêu lạm phát và quan trọng hơn nữa là không tạo ra cuộc đua lãi suất huy động trong nửa cuối năm khi tỷ lệ cho vay trên huy động có những ngân hàng đã lên tới 90%.
Đại diện Agribank cho rằng, các ngân hàng nên kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, nếu không sẽ gây ra cuộc đua tăng lãi suất huy động, giành giật vốn giữa các ngân hàng, từ đó tăng lãi suất cho vay, tăng lạm phát.
Nhưng ở chiều ngược lại, không ít ý kiến cho rằng, cơ chế room tín dụng vẫn là biện pháp hành chính, nặng tính xin – cho, nên NHNN có thể điều hành tín dụng thông qua các công cụ kỹ thuật như hệ số an toàn vốn (CAR), chỉ số LTD (dư nợ tín dụng/vốn huy động), chỉ số thanh khoản, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn… và có thể điều tiết lượng tiền cung ra thị trường thông qua điều chỉnh lãi suất điều hành.
Tại phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nói về cơ chế cấp room tín dụng, mặc dù khẳng định đây vẫn là công cụ hiệu quả để tín dụng ổn định, song Thống đốc NHNN đã đưa ra kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ hướng tới tìm vốn trên thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…) thay vì phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng, gây áp lực lớn cho hệ thống ngân hàng.