Vừa qua, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã: VNM) đã có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc chào mua công khai cổ phần GTN Foods (mã: GTN).
Theo đó, Vinamilk sẽ chào mua tối đa 46,68% cổ phần GTN, tương ứng 116,71 triệu cổ phần đang lưu hành của công ty với giá 13.000 đồng/cp. Tính theo mức giá này, Vinamilk sẽ chi ra 1.517 tỷ đồng để sở hữu lượng cổ phần mong muốn mua được.
Trong thời gian qua, cổ phiếu GTN của GTNfoods trở thành tâm điểm của thị trường khi bật tăng mạnh mẽ lên 20.500 đồng/cp (phiên 19/3), tăng tới 80% so với một tháng trước đó và đạt mức giá cao nhất trong vòng 2 năm qua.
Đi kèm với việc giá tăng mạnh, thanh khoản cổ phiếu GTN cũng mạnh mẽ với hàng triệu cổ phiếu giao dịch mỗi phiên.
Trong một diễn biến trước đó, sau khi GTN đạt ngưỡng hơn 14.000 đồng/cp thì khối ngoại đã liên tiếp bán ra với tổng khối lượng cổ phiếu lên tới hơn 12 triệu đơn vị trong hai phiên giao dịch ngày 27-28/2.
"Bất ngờ hơn nữa, trong lúc nhiều nhà đầu tư còn phân vân khi thấy khối ngoại bán ròng lượng lớn cổ phiếu thì CTCK HSC bất ngờ công bố đã mua gom thành công hơn 20 triệu cổ phiếu và thành cổ đông lớn thứ 3 của GTNfoods, sở hữu hơn 8% cổ phần. HSC chưa từng đầu tư lớn vào GTNfoods và đây là lần đầu tiên chi hàng trăm tỷ để sở hữu cổ phiếu.
Còn nhớ, khoảng nửa năm trước đây, trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện tin đồn GTNfoods đang là tâm điểm M&A của ít nhất 2 "ông lớn". Đặc biệt, trên một số diễn đàn có tin đồn nhiều nhà đầu tư trong ngoài nước muốn mua 51% vốn GTNfoods với mức giá lên đến 30.000 đồng/cp, tức gần gấp 3 so với thị giá lúc bấy giờ.
Do đó, trước động thái của HSC, nhiều người cho rằng công ty này đang "làm deal" hộ cho "ông lớn" khác. Ngay giữa lúc mọi thông tin liên quan đến thương vụ rót vốn bí ẩn này vẫn đang là ẩn số thì “ông lớn” số 1 ngành sữa Vinamilk lại bất ngờ thông báo mua vào gần một nửa số cổ phần của GTNfoods
Được biết, GTN là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu với doanh thu năm 2018 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 100 tỷ đồng.
Hiện tại, GTN đang nắm giữ gần 75% cổ phần Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Vilico tại CTCP Giống bò sữa Mộc Châu là 51%. Ngoài ra, GTN còn nắm giữ 95% cổ phần Tổng Công ty Chè Việt Nam; 35% cổ phần LadoFoods (Vang Đà Lạt)…
Đánh giá về động thái của Vinamilk, lãnh đạo GTNfoods cho biết, Mộc Châu Milk hiện đang có đàn bò 23.500 con với quy mô chăn thả lên đến 1.000 héc ta của công ty. Mỗi năm, sản lượng sữa của Mộc Châu Milk đạt khoảng 100 nghìn tấn và mô hình kinh doanh của công ty là liên kết chăn nuôi với nông dân, tổng số diện tích nuôi nông hộ liên kết đạt 3.000 héc ta. Mộc Châu Milk được đánh giá là hiện đang chiếm 23% thị phần sữa nước tại Miền Bắc
Do đó, nếu M&A thành công GTNfoods có thể là một bước đệm lớn để Vinamilk xây dựng thị trường Miền Bắc, tạo ưu thế về chi phí vận chuyển và nguyên liệu, Vinamilk cũng có thể cùng hợp tác với GTNfoods và Mộc Châu Milk để phân chia lại thị trường, tận dụng các yếu tố kết hợp cùng phát triển, xây dựng hai thương hiệu cùng lớn mạnh.
Vị này cũng cho biết thêm, ngoài kinh doanh sữa Vinamilk còn có rất nhiều sản phẩm nước uống nhiều hương vị khác như nước hoa quả, trà xanh... bởi vậy họ có thể cũng rất quan tâm đến Vinatea, một công ty nhà nước cũ có lịch sử hơn 60 năm và sở hữu 4.700 ha chè tập trung tại những vùng trọng điểm kinh tế miền núi phía Bắc. Khi được đầu tư hợp lý, Vinatea hoàn toàn có thể phát triển trở thành một thương hiệu chè lớn tầm cỡ thế giới.