Vị thế của Viettel Global đang bị đe doạ?

Kinh doanh sa sút, âm vốn chủ sở hữu, khoản đầu tư vào Mytel về “mo”, thị giá cổ phiếu liên tiếp giảm… đang là những yếu tố khiến Viettel Global trở nên yếu thế trước đối thủ.
Vị thế của Viettel Global đang bị đe doạ?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – mã: VGI) ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 5.514 tỷ đồng, giảm 200 tỷ so với cùng kỳ chủ yếu đến từ mảng kinh doanh thiết bị có biên lãi gộp thấp.

Sau khi trừ các chi phí, Viettel Global lãi trước thuế 473 tỷ đồng, giảm gần 57% so với cùng kỳ. Lãi ròng “bốc hơi” đến 90% so với cùng kỳ chỉ đạt 83,6 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ thậm chí còn âm hơn 7 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, Viettel Global ghi nhận doanh thu đạt 15.313 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế 9 tháng lại giảm gầm 31% so với cùng kỳ xuống mức 1.571 tỷ đồng. Lãi ròng thu về 538 tỷ đồng, giảm đến 68% so với 9 tháng đầu năm ngoái trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ thậm chí âm gần 89 tỷ đồng.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do việc ghi nhận lỗ từ liên doanh, liên kết gần 1.776 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ Mytel tại thị trường Myanmar. Khoản lỗ này gần như không được cải thiện so với nửa đầu năm.

Tính đến 30/9, Viettel Global đã rót 4.550 tỷ đồng vào các công ty liên kết và khoản lợi nhuận lũy kế phát sinh sau ngày đầu tư 2.281 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi cấn trừ cổ tức và chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính của các hoạt động nước ngoài, giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết chỉ còn lại 1.412 tỷ đồng, giảm gần 2.200 tỷ đồng so với đầu năm.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021, sự sụt giảm này là do chênh lệch tỷ giá đã khiến Mytel âm vốn chủ sở hữu dẫn đến khoản đầu tư của Viettel Global vào công ty này đã về “mo” (theo phương pháp vốn chủ sở hữu).

Thay đổi trên là một phần nguyên nhân khiến tổng tài sản của Viettel Global giảm gần 5.000 tỷ đồng so với đầu năm xuống mức 54.086 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm 13.324 tỷ đồng phải thu ngắn hạn (tăng 1.500 tỷ đồng) và 11.878 tỷ đồng phải thu dài hạn (giảm 3.460 tỷ đồng).

Tình hình kinh doanh không mấy khả quan khiến cổ phiếu VGI cũng trồi sụt thất thường bất chấp thị trường chung đi lên mạnh mẽ. Cổ phiếu này hiện đang dừng ở mức 37.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 20% so với mức cao nhất từng ghi nhận vào giữa tháng 1/2021.

Vốn hóa thị trường của Viettel Global cũng theo đó bị “thổi bay” 29.000 tỷ đồng từ mức đỉnh và hiện đang dừng ở mức 114.750 tỷ đồng, xếp thứ 2 sàn UpCOM chỉ sau Cảng hàng không (ACV). Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục đà giảm, không loại trừ khả năng Viettel Global sẽ sớm đánh mất vị thế của mình trước sự vươn lên mạnh mẽ của các đối thủ, có thể kể đến Masan Consumer (MCH).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm