Theo đó, VKS cho rằng trong việc góp vốn vào OceanBank, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch PVN đã ký thỏa thuận 6934 về việc tham gia góp vốn cùng Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch OceanBank nhưng chưa thông qua HĐQT PVN là trái điều lệ của PVN. Việc góp vốn vào OJB cũng trái chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Ở lần góp vốn thứ 3, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đã có hiệu lực, theo đó cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng nhưng Đinh La Thăng vẫn cho bà Vũ Thị Thanh Hương làm đại diện 20% vốn tại OceanBank và không khống chế Nghị quyết tăng vốn 2 đợt lên 5.000 tỉ đồng. Từ đó, các bị cáo nguyên là thành viên HĐTV PVN đã ký nghị quyết tăng vốn lần 3 là 100 tỉ đồng; vi phạm quy định của Luật các TCTD. Lần góp vốn này các bị cáo cũng không báo cáo Thủ tướng.
Đánh giá 3 lần góp vốn một cách tổng thể và biện chứng, VKS thấy rằng các bị cáo chưa thực hiện triệt để chủ trương, không thực hiện hết các yêu cầu của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc một cách có hệ thống. Việc các bị cáo báo cáo Chính phủ chỉ mang tính thủ tục.
Việc bị cáo Thăng cho rằng ở lần góp vốn thứ 3 bị cáo đã rời khỏi PVN, theo VKS, nguyên nhân mất 800 tỉ đồng là do các bị cáo đầu tư một cách trái phép; như vụ án Hà Văn Thắm, việc OceanBank mất vốn chủ sở hữu chỉ là vấn đề thời gian. VKS nhận định: Thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng, các bị cáo còn lại đã thực hiện 3 lần góp vốn trái quy định vào OceanBank với tổng 800 tỉ đồng. Do sai phạm, OceanBank bị mất vốn chủ sở hữu, buộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải mua 0 đồng để khắc phục hậu quả ngân hàng này gây ra, ổn định kinh tế vĩ mô…
Đinh La Thăng giữ vai trò chính, đưa ra chủ trương cố ý làm trái, đồng thời chỉ đạo các bị cáo khác phạm tội gây hậu quả đặc biệt lớn. Án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá quá trình đóng góp của bị cáo cho xã hội, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, được tặng nhiều danh hiệu cao quý. VKS cho rằng tại phiên phúc thẩm không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên cần giữ nguyên hình phạt.