Việt Nam chi 2,1 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu trong quý 1/2024

Trong quý 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng hơn 2,5 triệu tấn xăng dầu. Trong đó, Malaysia là thị trường cung cấp nhiều xăng dầu nhất cho Việt Nam…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong quý 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng hơn 2,5 triệu tấn xăng dầu
Trong quý 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng hơn 2,5 triệu tấn xăng dầu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 1.076.653 tấn, trị giá 901,7 triệu USD. Kết quả này tăng 44,7% về lượng và tăng 46,1% về kim ngạch so với tháng 2/2024.

Tính chung trong quý 1/2024, lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 2.558.692 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, giá trung bình 822 USD/tấn.

Về thị trường, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Malaysia, chiếm hơn 34% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 892.211 tấn, trị giá 722,1 triệu USD, tăng 124% về lượng và tăng 122,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, riêng tháng 3/2024, nhập khẩu từ thị trường này tăng 46% về lượng và tăng 55,7% kim ngạch so với tháng 2/2024, đạt 308.268 tấn, trị giá 262,5 triệu USD.

Ở vị trí tiếp theo là thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 25 - 26% tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu. Khối lượng xăng dầu nhập khẩu đạt 682.488 tấn, trị giá 543,3 triệu USD, giảm 34,6% về lượng và giảm 39,7% về kim ngạch.

Riêng tháng 3/2024, nhập khẩu đạt 350.744 tấn, trị giá 279,3 triệu USD, tăng 107,2% về lượng và tăng 105% về trị giá.

Vị trí thứ 3 là thị trường Singapore, chiếm 24 - 25% tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu. Việt Nam đã nhập 623.638 tấn, trị giá 533,1 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 0,5% về kim ngạch. Trong tháng 3/2024, nhập khẩu từ thị trường này tăng 13,6% về lượng và tăng 15% về kim ngạch.

Thị trường Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 4, chiếm hơn 10 - 11% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu. Trong quý 1/2024, lượng nhập khẩu đạt 278.102 tấn, trị giá 235,8 triệu USD, giảm 4,4% về lượng và giảm 9,8% về kim ngạch. Tháng 3/2024, nhập khẩu đạt 100.223 tấn, trị giá 100,8 triệu USD, tăng 107,5% về lượng và tăng 110,8% về trị giá.

Nhập khẩu xăng dầu từ Thái Lan chiếm hơn 2% trong tổng lượng và tổng kim ngạch trong 3 tháng đầu năm 2024, đạt 53.281 tấn, trị giá 45,7 triệu USD, giảm 75,8% về lượng và giảm 76,4% về trị giá.

Trước đó, năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 10 triệu m3 xăng dầu, tương đương 8,4 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 1,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 12 tháng năm 2023 ở mức 829 USD/m3, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Xét về thị trường, trong năm 2023, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia là ba nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm hơn 81% tổng lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam.

Khác với quý 1/2024, Hàn Quốc là quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam trong năm 2023. Việt Nam đã chi hơn 3,21 tỷ USD để nhập hơn 3,9 triệu m3 xăng dầu từ thị trường này trong năm ngoái.

Lý do khiến Hàn Quốc trở thành quốc gia cung cấp xăng dầu nhiều nhất cho Việt Nam là nhờ ưu đãi thuế 10% nhận được từ hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc. Mức thuế này thấp hơn đáng kể so với mức thuế MFN 20% (thuế áp dụng đối với hàng hóa từ các nước thành viên WTO).

Việt Nam là quốc gia khai thác dầu thô, xuất khẩu nhưng vẫn phải nhập nhiều dầu thô vì phải đáp ứng đủ đầu vào cho 2 nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn. Trong đó, 80% dầu thô phục vụ cho 2 nhà máy này đến từ nguồn nhập khẩu, xăng dầu thành phẩm vẫn cần nhập thêm khoảng 30% mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thực tế, dầu thô có nhiều chủng loại, đặc tính khác nhau như dầu ngọt, dầu nhẹ, dầu nặng... Mỗi loại dầu sẽ sản xuất ra các sản phẩm thành phẩm gồm xăng, dầu diesel, dầu hoả, mazut và các sản phẩm hóa dầu khác.

Mỗi nhà máy lọc dầu được thiết kế công nghệ sử dụng loại dầu thô khác nhau. Chẳng hạn, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ vùng vịnh, loại dầu khai thác trên sa mạc, đá phiến. Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế để tiêu thụ dầu thô khai thác từ mỏ Bạch Hổ.

Do phụ thuộc lớn nên hoạt động nhập khẩu xăng dầu cũng chịu sự tác động mạnh khi thế giới biến động, đặc biệt là về giá.

Có thể bạn quan tâm