Sau 30 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ, không chỉ là một đối tác thụ động mà đã chủ động kiến tạo giá trị trong mối quan hệ này. Sự chủ động này thể hiện rõ nét qua việc Việt Nam không ngừng mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến khoa học công nghệ, giáo dục, an ninh quốc phòng, và giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu.
THAY ĐỔI TƯ DUY TỪ “THỤ ĐỘNG GIA CÔNG” SANG “CHỦ ĐỘNG KIẾN TẠO GIÁ TRỊ”
Tại tọa đàm “30 năm quan hệ Việt - Hoa Kỳ: Duy trì động lực, hướng tới thương mại cân bằng, bền vững” diễn ra sáng 11/7, TS. Vũ Hoàng Linh - Giảng viên cấp cao Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội nêu bật những thành tựu của Việt Nam trong mối quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế với Hoa Kỳ sau 30 năm bình thường hóa quan hệ (12/7/1995-12/7/2025).
Theo ông Vũ Hoàng Linh, ba thập kỷ qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 150 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 136,6 tỷ USD, và nhập khẩu từ Hoa Kỳ khoảng 13,1 tỷ USD – một mức thặng dư lớn nghiêng về phía Việt Nam. Cùng với đó, Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam, với tổng vốn FDI lũy kế khoảng 11,8 tỷ USD.
TS. Vũ Hoàng Linh cũng phân tích, Việt Nam hiện đang đứng trước một “cửa sổ cơ hội chiến lược” để gia nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đang được xem là một điểm đến thay thế lý tưởng trong bối cảnh các doanh nghiệp Hoa Kỳ và phương Tây tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về năng lực thực tế, theo TS. Vũ Hoàng Linh, Việt Nam đang cho thấy bước tiến rõ rệt trong tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 405 tỷ USD, trong đó xuất khẩu nhóm hàng điện tử – máy tính – linh kiện đạt 126,5 tỷ USD, chiếm hơn 31% tổng giá trị xuất khẩu. Đây là minh chứng rõ ràng về việc Việt Nam không chỉ đóng vai trò là điểm gia công, mà đã bước đầu trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Sự hiện diện ngày càng sâu của các tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử, chất bán dẫn và linh kiện tự động là chỉ dấu của xu hướng này.
"Tuy nhiên, cơ hội không tự chuyển hóa thành lợi ích nếu không có cải cách tương ứng. Một số rủi ro như hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chi phí vận chuyển còn cao, và nhất là rủi ro về gian lận xuất xứ nếu không kiểm soát tốt, có thể khiến Việt Nam bị loại khỏi chuỗi cung ứng thay vì được tham gia sâu hơn. Nếu không có cơ chế kiểm tra, truy xuất nguồn gốc chặt chẽ, Việt Nam có thể đánh mất lòng tin và đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại bất lợi. Do đó, để bảo vệ vị trí trong chuỗi cung ứng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình số hóa hải quan, cải thiện năng lực thực thi pháp luật, và phối hợp chặt với các đối tác thương mại về tiêu chuẩn kỹ thuật và minh bạch thị trường", TS. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh.
Theo TS. Vũ Hoàng Linh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư vào năng lực số hóa quản lý chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch trong quy trình sản xuất, và liên kết chặt hơn với các đối tác nước ngoài để tham gia các tầng giá trị cao hơn (R&D, thiết kế, phân phối). Ngoài ra, cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực có kỹ năng công nghệ, luật thương mại quốc tế và năng lực quản trị theo chuẩn toàn cầu.
"Tóm lại, để không chỉ 'được chọn' mà còn 'giữ được vị trí' trong chuỗi cung ứng toàn cầu và quan hệ với Hoa Kỳ, vai trò của doanh nghiệp Việt Nam là then chốt: phải thay đổi tư duy từ 'thụ động gia công' sang 'chủ động kiến tạo giá trị'", TS. Vũ Hoàng Linh nhấn mạnh.
VIỆT NAM ĐÃ TỪNG VƯỢT QUA NHIỀU KHÓ KHĂN HƠN
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều biến động khó lường với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và những điều chỉnh sâu rộng trong chính sách thương mại, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ.
Nhìn nhận những thách thức dưới góc độ tích cực hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, còn rất nhiều dư địa của hàng hóa từ Việt Nam sang Hoa Kỳ và ngược lại. Hai nước bổ trợ cho nhau chứ không cạnh tranh hoàn toàn. Việt Nam có nhiều lợi thế khác, có 101 triệu dân, chi phí nhân công hợp lý, cuộc cải cách lần hai đang diễn ra sôi động. Việt Nam, với cải cách nội tại, đang có nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đây là cơ hội đột phá để Việt Nam tăng cường nội lực.
“Ngoài ra, doanh nghiệp Hoa Kỳ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ hỏi chúng tôi 2 câu. Thứ nhất, là vị thế của Việt Nam trong khu vực. Ấn Độ - Thái Bình Dương. Rõ ràng chúng ta là vị trí chiến lược. Họ đề nghị chúng tôi nêu một số lĩnh vực tiềm năng để đầu tư. Chúng tôi đã liệt kê một số lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giáo dục y tế, dược phẩm, công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI)…”, TS. Cấn Văn Lực nói.
“Về câu chuyện đàm phán thuế quan, tôi cho rằng về cơ bản Việt Nam đang làm tốt. Chúng tôi kỳ vọng và tin là kết quả sẽ tích cực cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ”, ông kỳ vọng.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ rằng ông cảm thấy rất phấn khởi khi được tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp và nhận thấy khả năng thích ứng cực kỳ nhanh chóng của họ. Ông cho biết các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động tìm kiếm một số thị trường và địa bàn khác để đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra, thay vì ngồi chờ chính sách hay kết quả đàm phán. Ngoài ra, họ cũng đã tiết giảm tối đa chi phí hoạt động trong nước và cơ cấu lại. Một lần nữa, vị chuyên gia nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cũng tích cực tham gia đối thoại giữa hai nước nhằm đảm bảo kết quả đàm phán khả quan.
Ông khẳng định rằng dù 30 năm quan hệ giữa hai nước đã trải qua không ít khó khăn nhưng Việt Nam đều đã vượt qua. Với việc thời kỳ khó khăn nhất đã qua, ông tin rằng không có lý do gì để Việt Nam không tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được.
Dưới góc độ của người từng chứng kiến đất nước chuyển mình qua những giai đoạn khó khăn nhất, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, dành nhiều thời gian nói về 30 năm quan hệ Việt – Mỹ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá, qua 30 năm, hiện nay, mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng đan xen lợi ích, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Ông cũng nhìn nhận, quan hệ Việt – Mỹ từ 1995 đến nay “song trùng” với quá trình đổi mới, hội nhập, cải cách của Việt Nam, và hai vấn đề này tác động lẫn nhau.
Nói về bối cảnh hiện tại, trong đó có mức thuế quan của Hoa Kỳ, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhìn nhận, thực trạng mới có nhiều phức tạp, nhưng cũng có thể nhận thấy nhiều cơ hội, là động lực để phát huy nội lực, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của nền kinh tế trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.