Các nhà đàm phán thương mại Hoa Kỳ và Ấn Độ vẫn đang nỗ lực để cố gắng đạt được một thỏa thuận giảm thuế quan trước thời hạn đàm phán ngày 9/7 của Tổng thống Donald Trump, nhưng những bất đồng về ngành sữa và nông nghiệp của Hoa Kỳ vẫn chưa được giải quyết.
Động thái này diễn ra khi Tổng thống Trump công bố đã đạt một thỏa thuận với Việt Nam. Ông Trump cho biết các sản phẩm của Hoa Kỳ có thể được miễn thuế khi vào Việt Nam, nhưng thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố.
Việt Nam là động lực thúc đẩy Ấn Độ và các đối tác khác tiếp tục đàm phán với Hoa Kỳ
Dường như thông báo của ông Trump về việc đạt được thỏa thuận với Việt Nam đã thúc đẩy các đối tác thương mại khác của Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến độ đàm phán trước thời hạn 9/7. Đối với Ấn Độ, Tổng thống Donald Trump đã đe dọa đánh thuế 26% đối với hàng hóa của Ấn Độ như một phần của mức thuế quan đáp trả "Ngày giải phóng" vào ngày 2/4 , mức thuế này đã tạm thời được hạ xuống còn 10% để kéo dài thời gian đàm phán.

Các nguồn tin từ Bộ thương mại Ấn Độ cho biết một phái đoàn thương mại từ Ấn Độ vẫn ở Washington một tuần sau khi đến để tham gia các cuộc đàm phán bắt đầu vào thứ năm và thứ sáu tuần trước.
Các nguồn tin cho biết họ có thể ở lại lâu hơn để hoàn tất một thỏa thuận, nhưng không thỏa hiệp về các vấn đề quan trọng về nông nghiệp và sữa, đồng thời nói thêm rằng việc hạ thuế đối với ngô, đậu nành, gạo và lúa mì biến đổi gen được trồng ở Hoa Kỳ là không thể chấp nhận được.
Một trong những nguồn tin cho biết, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi "không muốn bị coi là từ bỏ quyền lợi của nông dân - một nhóm chính trị mạnh mẽ trong nước".
Tuy nhiên, nguồn tin cho biết Ấn Độ sẵn sàng giảm thuế đối với quả óc chó, quả nam việt quất và các loại trái cây khác, cùng với các thiết bị y tế, ô tô và sản phẩm năng lượng.
Một nguồn tin từ Hoa Kỳ về các cuộc đàm phán cho biết có "dấu hiệu cho thấy họ đã gần đạt được thỏa thuận" và các nhà đàm phán đã được yêu cầu chuẩn bị cho khả năng có thông báo.
Nguồn tin cho biết thêm rằng "đã có những nỗ lực mạnh mẽ và mang tính xây dựng để hoàn tất một thỏa thuận. Tôi nghĩ cả hai bên đều hiểu được tầm quan trọng về mặt chiến lược, vượt ra ngoài tầm quan trọng về mặt kinh tế, của việc hoàn tất một thỏa thuận".
Ông Trump đã lặp lại quan điểm đó vào ngày 2/7, khi nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một rằng ông có thể đạt được thỏa thuận với Ấn Độ nhằm cắt giảm thuế quan cho cả hai nước và giúp các công ty Mỹ cạnh tranh tại thị trường 1,4 tỷ người tiêu dùng của Ấn Độ.
Cùng lúc đó, ông Trump tỏ ra nghi ngờ về một thỏa thuận tiềm năng với Nhật Bản khi nói rằng ông có thể áp thuế 30% hoặc 35% đối với hàng hóa Nhật Bản, cao hơn nhiều so với mức thuế 24% mà ông công bố vào ngày 2/4. Nhật Bản đang tìm cách giảm mức thuế 25% đối với ô tô và thép mà ông Trump áp dụng.
4 lằn ranh đỏ trong đàm phán thương mại Ấn Độ - Hoa Kỳ
Ấn Độ vẫn khẳng định nông nghiệp và sữa là “ranh giới đỏ” của nước này trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hoa Kỳ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ ký một thỏa thuận thương mại "rất lớn" "để mở cửa thị trường Ấn Độ", "nơi chúng ta có thể thâm nhập và cạnh tranh (với) mức thuế quan thấp hơn nhiều".
Trong khi đó Ấn Độ vẫn khẳng định rằng nông nghiệp và sữa là "ranh giới đỏ" của mình trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hoa Kỳ. "Không đời nào chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì làm suy yếu nền nông nghiệp của chúng tôi, vị thế của người nông dân", Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định.

Những "lằn ranh đỏ" mà Hoa Kỳ đang thử nghiệm và đưa ra những thỏa thuận khó khăn để lách luật, nếu không muốn nói là xóa bỏ, là gì? Về cơ bản, nó bao gồm bốn sản phẩm nông trại: ngô, ethanol, đậu nành và sữa. Đối với những mặt hàng này, Ấn Độ áp dụng cả hạn chế về thuế quan và phi thuế quan, còn Hoa Kỳ đang thúc đẩy mở rộng quyền tiếp cận thị trường.
Đầu tiên là ngô
Hoa Kỳ là nước sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới, với sản lượng ước tính là 377,6 triệu tấn (mt), so với 42,3 tấn của Ấn Độ vào năm 2024-25.
Có tới 94% tổng diện tích trồng ngô ở Hoa Kỳ năm ngoái là các giống ngô biến đổi gen (GM). Các giống ngô này kết hợp các gen lạ từ vi khuẩn mã hóa protein cho phép cây trồng "chịu đựng" được việc sử dụng thuốc diệt cỏ như glyphosate và glufosinate hoặc chống lại các cuộc tấn công của các loài côn trùng gây hại cụ thể.
Ấn Độ áp dụng mức thuế 15% đối với lượng ngô nhập khẩu lên đến 0,5 tấn mỗi năm, với số lượng vượt quá mức đó sẽ phải chịu mức thuế cao hơn là 50%. Hơn nữa, Ấn Độ không trồng hoặc không cho phép nhập khẩu ngô biến đổi gen.
Một đề xuất được đưa ra là cho phép nhập khẩu ngô biến đổi gen chỉ để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu ethanol. Trên thực tế, hơn 46% ethanol do các nhà máy chưng cất Ấn Độ sản xuất để pha trộn với xăng hiện đang có nguồn gốc từ ngô.

Con số này cao hơn tỷ lệ của các nguyên liệu đầu vào khác: Nước mía/mật mía (32%) và gạo dư thừa/tấm (22%).
Ngô chủ yếu là một loại ngũ cốc cung cấp carbohydrate, nguồn năng lượng chính cho gia cầm và gia súc. Việc hạn chế sử dụng ngô biến đổi gen nhập khẩu chỉ để xay xát và lên men carbohydrate tinh bột thành nhiên liệu ethanol nhằm ngăn chặn vật liệu này xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Khi đó, sữa, trứng hoặc thịt gà tiêu thụ ở Ấn Độ sẽ không đến từ gia súc và gia cầm được cho ăn ngô biến đổi gen, cho dù được nhập khẩu từ Hoa Kỳ hay Brazil.
Nhưng đề xuất này phải đối mặt với sự phản đối từ các nhà máy đường. Tỷ lệ ethanol được cung cấp từ nguyên liệu thô từ ngũ cốc đã tăng từ 0 lên 57% trong giai đoạn 2017-18 và 2023-24. Các nhà máy lo ngại rằng ngô biến đổi gen nhập khẩu sẽ dẫn đến việc mía bị loại bỏ thêm nữa trong chương trình xăng pha ethanol (EBP).
Việc mở cửa cho việc nhập khẩu ngô biến đổi gen cũng có thể gặp phải rào cản chính trị trước thềm cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Bihar: Tiểu bang này là nơi sản xuất ngô lớn thứ ba của Ấn Độ sau Karnataka và Madhya Pradesh.
Thứ hai là etanol
Hoa Kỳ cũng là nước sản xuất và xuất khẩu ethanol lớn nhất thế giới. Năm 2024, Hoa Kỳ đã xuất khẩu ethanol trị giá 4,3 tỷ USD, trong đó Ấn Độ là thị trường lớn thứ ba (với 441,3 triệu USD) sau Canada (1,5 tỷ USD) và Vương quốc Anh (535,1 triệu USD).
Ấn Độ hiện chỉ cho phép nhập khẩu ethanol theo giấy phép "người dùng thực tế" cho mục đích công nghiệp không phải nhiên liệu. Nhập khẩu có thể dùng để sản xuất hóa chất gốc cồn, thuốc hoặc đồ uống, nhưng không được pha trộn với xăng và dầu diesel.
Với tổng lượng tiêu thụ ethanol dự kiến của Ấn Độ là 11.350 triệu lít vào năm 2025, trong đó nhiên liệu chiếm 9.650 triệu lít và sử dụng trong công nghiệp chỉ chiếm 1.700 triệu lít, Hoa Kỳ sẽ muốn mở rộng thị trường.
Nhưng việc nhập khẩu ethanol để sử dụng làm nhiên liệu có thể là “ranh giới đỏ” đối với Ấn Độ. Nó có thể được coi là làm suy yếu mục tiêu chính của chương trình EBP - giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu và tạo ra thị trường cho sản phẩm nông nghiệp trong nước dư thừa, đặc biệt là mía và ngũ cốc.
Thứ ba là đậu nành
Hoa Kỳ là nước sản xuất và xuất khẩu đậu nành lớn thứ hai sau Brazil. Với 96% diện tích tại Hoa Kỳ và 99% tại Brazil được trồng các giống cây trồng biến đổi gen chịu thuốc diệt cỏ, năng suất trung bình trên một hecta là 3,4-3,5 tấn ở hai quốc gia này cao hơn nhiều so với 0,9 tấn của Ấn Độ.
Ấn Độ cho phép nhập khẩu dầu đậu nành biến đổi gen. Tuy nhiên, nhập khẩu cả đậu nành biến đổi gen nguyên hạt và bã đậu nành tách dầu còn lại (DOC) sau khi chiết xuất dầu đều bị cấm. Lý do: Chất protein biến đổi gen chỉ có trong đậu nành thô và DOC, không có trong dầu.

Một bài báo nghiên cứu gần đây của NITI Aayog (sau đó đã bị thu hồi) đã kêu gọi xem xét lựa chọn nhập khẩu đậu nành biến đổi gen, để dầu chiết xuất có thể được bán trên thị trường trong nước và DOC xuất khẩu sang các nước khác. Điều này sẽ đảm bảo rằng chỉ có dầu được tiêu thụ tại địa phương và đậu nành nhập khẩu không được nông dân Ấn Độ trồng hoặc sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Nhưng đậu nành được trồng ở khoảng 13 triệu ha đất nước - chủ yếu là Madhya Pradesh, Maharashtra và Rajasthan do BJP cai trị. Điều đó, cộng với việc mùa màng được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ, có thể không dễ dàng về mặt chính trị để cho phép nhập khẩu đậu nành biến đổi gen.
Cuối cùng là sữa
Hoa Kỳ không phải là quốc gia có ảnh hưởng lớn như New Zealand và Liên minh châu Âu trong lĩnh vực sữa khi nói đến hoạt động thương mại sữa bột và bơ toàn cầu.
Thuế mà Ấn Độ hiện đang áp dụng - 30% đối với pho mát, 40% đối với bơ và 60% đối với sữa bột - khiến cho việc nhập khẩu từ ngay cả những nhà sản xuất giá rẻ như New Zealand và Úc trở nên không khả thi. Trên hết là yêu cầu - mà Hoa Kỳ tuyên bố là hoàn toàn “dựa trên cơ sở tôn giáo và văn hóa” - đối với tất cả các sản phẩm sữa nhập khẩu phải có nguồn gốc từ động vật không được cho ăn bất kỳ chế phẩm nào được sản xuất từ nội tạng, bột máu hoặc mô của bò.
Trong khi sữa rõ ràng là một “lằn ranh đỏ” mà Ấn Độ khó có thể nhượng bộ nhiều, thì nó cũng có thể trở thành đòn bẩy mà Hoa Kỳ sẽ sử dụng để giành được nhượng bộ trong các mặt hàng nông sản khác.