Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ ngày 10/4 (giờ Mỹ) tại Washington, Đặc phái viên của Tổng Bí thư, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick.
NỘI DUNG THUẾ QUAN LÀ TRỤ CỘT CỦA THOẢ THUẬN ĐÀM PHÁN
Phó Thủ tướng đã trao đổi, thảo luận với Chính phủ Hoa Kỳ để đi đến thống nhất sẽ tiến hành đàm phán một thoả thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Đặc biệt hai bên đã chính thức đồng ý sẽ đàm phán nội dung về thuế quan, trụ cột quan trọng nhất của Hiệp định này.
Đây là bước đột phá lớn nhất trong suốt những ngày đàm phán căng thẳng vừa qua mà Đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam đã đạt được với Chính phủ Hoa Kỳ do trước đó nội dung về ký hiệp định thương mại song phương mà phía ta đưa ra nhiều lần nhưng Hoa Kỳ chưa đồng ý.
Như vậy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã mở "cánh cửa thép" lâu nay đóng chặt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã giao cho đoàn công tác đặc biệt. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ xem xét thành lập nhóm đàm phán kỹ thuật cấp bộ trưởng để cụ thể hóa những kết quả mà đoàn công tác đặc biệt đã đạt được những ngày qua.
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa, bền vững.
Phó Thủ tướng đánh giá cao việc bên hai đã nhất trí khởi động đàm phán thoả thuận thương mại đối ứng, trong đó bao gồm các thoả thuận về thuế quan.
Khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng đàm phán, Phó Thủ tướng đề nghị hai bên sớm trao đổi cụ thể để đạt thoả thuận trong thời gian sớm nhất, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển ổn định, bền vững, đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cảm ơn Việt Nam đã kịp thời có các biện pháp tích cực xử lý những vấn đề quan tâm của Hoa Kỳ; đánh giá cao hai nước nhất trí đàm phán thỏa thuận thương mại song phương; cho biết chính quyền Hoa Kỳ cử ông làm trưởng đoàn đàm phán với Việt Nam.
Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng hai bên sẽ sớm đạt được những giải pháp phù hợp, thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại ổn định, cùng có lợi.
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI MỸ ĐÁNH GIÁ CAO TIỀM NĂNG KINH TẾ VIỆT NAM
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng việc hai bên nhất trí khởi động đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Phó Thủ tướng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là duy trì ổn định chính trị, kinh tế và xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan của Việt Nam trong quá trình đàm phán.

Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick khẳng định hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam, cho rằng Việt Nam là nền kinh tế lớn, nhiều tiềm năng, là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực.
Bộ trưởng Lutnick nhấn mạnh hiện nay Hoa Kỳ ưu tiên tái công nghiệp hóa, đưa sản xuất trở lại Hoa Kỳ, bảo đảm thương mại công bằng.
Bộ trưởng khẳng định Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đàm phán, giải quyết các vấn đề đặt ra trong quan hệ kinh tế- thương mại song phương, hướng đến một thoả thuận phù hợp, đóng góp cho sự phát triển của cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
GIÚP DOANH NGHIỆP, NGƯỜI DÂN THÍCH ỨNG LINH HOẠT
Tại Việt Nam, chiều 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc ứng phó chủ động, kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh cần nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp hiện nay và kịp thời đề xuất, thực thi chính sách. Tiếp tục ổn định tình hình trong nước, ổn định lòng dân, ổn định các nhà đầu tư, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Đặc biệt cần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp, người dân thích ứng linh hoạt với tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường, thúc đẩy đầu tư của nước ngoài, thu hút FDI tốt hơn, chất lượng hơn.
Quan điểm xử lý là phải đặt công việc này trong tổng thể chung phát triển đất nước, quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới tổng thể 17 FTA đã ký kết; xử lý vấn đề này không ảnh hưởng vấn đề khác, ứng xử với đối tác này không để ảnh hưởng tới đối tác khác.
Đồng thời cần xem đây là thời cơ để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, tuần hoàn, phát triển nhanh nhưng bền vững, tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chất lượng cao...
Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp; rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, kế thừa các chính sách trước đây để thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đối tượng hỗ trợ.
Về nhóm giải pháp cụ thể, yêu cầu tiếp tục phối hợp đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Trong đó chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền, chính sách miễn, giảm thuế thì tiếp tục nghiên cứu.
Việc hoàn thuế VAT phải nhanh, kịp thời, cắt giảm thủ tục hành chính; mở rộng thêm đối tượng và kéo dài thời gian với chính sách liên quan phí, lệ phí, tiền thuê đất… Rà soát các khoản xuất nhập khẩu để giảm thuế, bảo đảm mặt bằng phù hợp, cân đối.
Bên cạnh đó, Thủ tướng còn yêu cầu lập ngay đoàn đàm phán với phía Mỹ, do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn.
Đoàn công tác sẽ xây dựng kịch bản, phương án phù hợp để đàm phán trên tinh thần "bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và hài hòa, rủi ro chia sẻ". Người đứng đầu Chính phủ lưu ý phải đặt trong tổng thể chung phát triển quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới tổng thể 17 FTA đã ký kết với hơn 60 thị trường.
Cùng với đó, Việt Nam sẽ giải quyết tối đa, thoả đáng các vấn đề thương mại mà Hoa Kỳ quan tâm, nhất là xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; tiếp tục mở cửa thị trường với các đối tác, khu vực khác; tích cực trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhất là máy bay, khí LNG, thương mại quốc phòng, an ninh; kích cầu tiêu dùng trong nước.