Các yếu tố nổi trội tạo nên năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam bao gồm tài nguyên tự nhiên (hạng 34), tài nguyên văn hóa (hạng 30) và sức cạnh tranh về giá (hạng 35).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có sự tiến bộ đáng kể đối với chỉ số nhân lực và thị trường lao động (hạng 37, tăng 18 bậc) dựa trên mức độ cải thiện về chất lượng nhân lực (hạng 53) và việc đơn giản hóa các quy định thuê lao động nước ngoài (hạng 75). Việt Nam cũng cải thiện mạnh mẽ đối với năng lực và mức độ sử dụng công nghệ thông tin (hạng 80, tăng 17 bậc). Khi sự hiện diện trên mạng Internet của Việt Nam ngày càng phổ biến, số lượng tìm kiếm liên quan đến du lịch thiên nhiên của Việt Nam ngày càng tăng, góp phần nâng cao sức thu hút đối với tài nguyên du lịch tự nhiên của Việt Nam (tăng 6 bậc). Đồng thời, sự phát triển liên tục của nền kinh tế khiến du lịch công vụ ngày càng phát triển (tăng 3 bậc). Mức độ an ninh và an toàn cao của Việt Nam (hạng 57) góp phần làm cho điểm đến du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch, theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam cần cải thiện mức độ bền vững về môi trường (hạng 129). Các quy định lỏng lẻo về môi trường (hạng 115), mức độ chất thải (hạng 128), nạn phá rừng (hạng 103) và hạn chế về xử lý nước (hạng 107) đang tàn phá môi trường tự nhiên cần phải được tập trung giải quyết. Đồng thời, Việt Nam còn hạn chế đối với các chỉ số như mức độ yêu cầu thị thực nhập cảnh (hạng 116), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), chi tiêu chính phủ cho ngành du lịch (hạng 114), mức độ toàn diện của các dữ liệu liên quan đến du lịch (hạng 116) và chiến lược thương hiệu quốc gia (hạng 107).