Việt Nam thuộc 6 nước được Mỹ ưu tiên đàm phán thuế quan

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết phiên đàm phán đầu tiên với Mỹ về chính sách thuế quan mới sẽ được tiến hành ngày 7/5 tới...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên họp
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên họp

Thông tin này được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết khi trình báo cáo của Chính phủ về tình hình về kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 vào sáng ngày 5/5.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế.

Đến ngày 2/4, Mỹ chính thức tuyên bố chính sách thuế quan 10% lên tất cả các quốc gia và đặt mức trần thuế quan đối ứng rất cao (Việt Nam bị áp thuế đối ứng 46%). Một tuần sau, nước này tuyên bố tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày, trừ Trung Quốc.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong 6 nước được Mỹ ưu tiên đồng ý đàm phán.

"Việt Nam đã bắt đầu đàm phán với Mỹ, dự kiến phiên đầu tiên sẽ diễn ra ngày 7/5", Thủ tướng nói.

Trước đó, ngày 1/5, đoàn trao đổi cấp kỹ thuật của Việt Nam đã sang Mỹ, làm việc với các cơ quan liên quan của nước này về đàm phán thương mại song phương.

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc đàm phán với Mỹ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp và thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, cũng như không làm ảnh hưởng tới các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Theo số liệu thống kê, trong quý đầu năm, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 31,4 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ nước này 4,1 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Theo Thủ tướng, do ảnh hưởng của chính sách thuế quan của Mỹ, một số lĩnh vực xuất khẩu (dệt may, gỗ nội thất...) chịu ảnh hưởng bất lợi, trong khi sức mua trong nước phục hồi chậm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".

Nguyên nhân của hạn chế gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu do tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành. Với độ mở kinh tế lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế kéo dài từ lâu bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn.

"Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp", Thủ tướng nhìn nhận.

Trước bối cảnh ảnh hưởng thuế quan của Mỹ, Chính phủ theo dõi sát tình hình, chủ động và phản ứng chính sách linh hoạt, nhất là với thuế quan mới của Mỹ. Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược sẽ được Chính phủ sớm ban hành, cùng với việc tăng kiểm tra giám sát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cũng như mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng. Việc này nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, sẵn sàng thích nghi với diễn biến tình hình kinh tế thế giới.

Song song đó, các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, lao động bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ cũng được Chính phủ, các bộ ngành khẩn trương xây dựng, triển khai.

Năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu GDP tăng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 thế giới) và GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD.

Để đạt mục tiêu trong bối cảnh nhiều thách thức, Chính phủ phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi lên 4-4,5% GDP khi cần thiết và tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng cho đầu tư phát triển.

Chính phủ cũng tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Giải ngân vốn đầu tư công - vốn là điểm nghẽn lâu nay - sẽ được đẩy nhanh từ đầu năm, nhất là tại các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Về phòng, chống buôn lậu, Thủ tướng nói Chính phủ kiên quyết xử lý tận gốc việc gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, nhất là các mặt hàng thuốc chữa bệnh, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, cũng như ngăn chặn, xử lý nghiêm và chấm dứt hành vi quảng cáo sai sự thật. Các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, thời gian giải quyết thủ tục hành chính sẽ được bỏ, giảm ít nhất 30%.

Cùng với đó, Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về xây dựng, phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, và thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, sản xuất, cung ứng toàn cầu.

"Nền kinh tế sẽ xác lập theo mô hình mới, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số làm động lực chính", Thủ tướng nói.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

VACOD-HBA dự kiến sẽ phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề vào đầu tháng 6/2025 tại Bình Thuận. Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân một cách hiệu quả nhất…

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tái cấu trúc địa giới hành chính và liên kết vùng kinh tế được xem là một bước đi chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, song lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công...