Việt Nam xuất siêu hơn 13 tỷ USD sang thị trường EU

Tháng 7 năm 2021, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 15,25% so với tháng 6/2021 và tăng 3,13% so với tháng 7/2020. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 13,02 tỷ USD hàng hóa sang thị trường EU.
Việt Nam xuất siêu hơn 13 tỷ USD sang thị trường EU

Theo số liệu của Bộ Công Thương tổng hợp, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường EU tháng 7/2021 đạt 4,73 tỷ USD, tăng 1,41% so với tháng 6/2021 và tăng 13,03% so với tháng 7/2020. Điều này cho thấy, xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng cao thời gian qua.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường EU đạt 32,09 tỷ USD, tăng 17,42% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 8,56% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước, giảm nhẹ so với tỷ trọng 9,54% trong 7 tháng năm 2020.

Tháng 7 năm 2021, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 15,25% so với tháng 6/2021 và tăng 3,13% so với tháng 7/2020. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 13,02 tỷ USD hàng hóa sang thị trường EU, tăng 15,75% so với mức xuất siêu của 7 tháng năm 2020 và bằng 57,73% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU.

Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ là các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam. Các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất bao gồm điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép các loại, máy móc thiết bị phụ tùng, hàng dệt may.

Bộ Công Thương cho biết, EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Trải qua gần một năm thực thi hiệp định, trao đổi thương mại song phương giữa hai bên đã có những tăng trưởng tích cực. EVFTA mang lại thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, Việt Nam là một trong hai nước ở khu vực Đông Nam Á đã thực hiện FTA với EU, nên có thêm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cao trong EVFTA nói riêng và ở thị trường EU nói chung buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi EU cắt giảm thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến những tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với mong muốn khai thác thị trường EU nhanh và bền vững hơn.

Dù vậy, việc nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng hàng hoá sang thị trường EU luôn được các chuyên gia khuyến cáo. Theo đó, doanh nghiệp luôn tìm hiểu, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU. Theo dõi xu hướng về các biện pháp phi thuế quan, đồng thời lưu ý các tiêu chuẩn riêng của nhà nhập khẩu. Cùng đó, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ vào thị trường EU...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm