Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank) đã chính thức đưa 317 triệu cổ phiếu BVB lên sàn UPCOM giao dịch vào ngày 9/7 với giá tham chiếu là 10.700 đồng/cp, trở thành ngân hàng thứ 19 chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Với 317 triệu cổ phiếu, giá trị vốn hóa của Vietcapital Bank sẽ vào khoảng 3.400 tỷ đồng.
Kết thúc phiên sáng ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu BVB tăng 30,8% lên 14.000 đồng/cp, khớp lệnh 72.000 đơn vị.
Những chuyển biến tích cực
Tính đến ngày 31/3/2020, VietCapital Bank đã kịp tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC và đã được Thống đốc NHNN phê duyệt áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn dưới 3%.
Vietcapital Bank cũng tỏ ra minh bạch hơn thông qua hoạt động cập nhật thường xuyên báo cáo tài chính quý, năm theo chế độ báo cáo của một công ty đại chúng. Tuy chưa cập nhật đủ thuyết minh BCTC nhưng đây cũng đã là "bước nhảy vọt" với một ngân hàng 'bí ẩn' như Bản Việt.
Cụ thể, theo BCTC hợp nhất quý I/2020 vốn chủ sở hữu của nhà băng này là 3.765 tỷ đồng, tổng tài sản ở mức ở mức 52.741 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay trên thị trường 1 (tổ chức kinh tế và dân cư) ở mức 34.760 tỷ đồng; tiền gửi đạt 37.838 tỷ đồng. Kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế ngân hàng đạt 48 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 16%; Tổng huy động vốn và dư nợ cấp tín dụng đều tăng 17%. Lợi nhuận trước thuế tăng 27% so với năm 2019 (năm 2019 Vietcapital Bank đạt 158 tỷ đồng - cao nhất trong 5 năm, với mục tiêu tăng 27% thì lợi nhuận năm nay sẽ là 200 tỷ đồng).
VietCapital Bank còn dự kiến phát hành 38 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, tương đương 12% vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VietCapital Bank tăng từ 3.171 tỷ đồng lên gần 3.552 tỷ đồng. Gần 381 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm này được dự kiến dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà băng này.
Trước đó, trong năm 2019 VietCapital Bank nằm trong nhóm những ngân hàng có bước tăng trưởng khá, tuy nhiên, chưa đạt được kỳ vọng của cổ đông khi lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 70% kế hoạch.
Cụ thể, nguồn thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự thuần vẫn chiếm tỷ trọng chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của VietCapital Bank với giá trị đạt 932,37 tỷ đồng, tăng 16,56% so với năm 2018.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt 158,1 tỷ đồng, tăng 35,73% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của VietCapital Bank cũng cải thiện rõ rệt, đạt mức 126 tỷ đồng, tương đương mức lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) ở mức 404 đồng/cp.
Dấu hỏi cổ đông lớn
Theo bản cáo bạch, ở thời điểm hiện tại VietCapitak Bank chỉ có một cổ đông lớn duy nhất là CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigon NIC) nắm giữ hơn 40,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 12,88% vốn điều lệ.
Như vậy, hơn 87% cổ phần còn lại của Vietcapital Bank hầu hết là do các cá nhân nắm giữ. Hiện tại, cổ đông sáng lập của ngân hàng đã chuyển nhượng hết vốn và không còn nắm giữ cổ phiếu nào.
Lượng sở hữu hiện tại của Saigon NIC đã giảm đi đôi chút so với hồi giữa năm 2018 (13,6%). Nguyên nhân có thể là do đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng của VietCapital Bạn diễn ra trong các năm 2018 và 2019, nâng quy mô vốn điều lệ lên 3.171 tỷ đồng.
Đợt chào bán gần nhất diễn ra trước đó của ngân hàng này cũng là từ giai đoạn 2010-2011, khiVietCapital Bank tăng vốn từ 1.000 tỷ lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng và chào bán cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu.
Thực tế, tính tới cuối năm 2012, cơ cấu sở hữu của VietCapital Bank, ngoài Saigon NIC, còn có 2 cổ đông lớn khác, gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tấn Phát (36,6 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 12,2%) và CTCP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (gần 24,5 triệu cổ phần chiếm tỷ lệ 8,15%).
Tuy nhiên, sau này 2 cổ đông lớn vừa kể lần lượt thoái vốn và tính đến 30/9/2018, Saigon NIC là cổ đông lớn duy nhất của VietCapital Bank, với quy mô và tỷ lệ sở hữu ổn định suốt quãng thời gian.
Được biết, Saigon NIC được thành lập năm 2007 nhằm thực hiện dự án đầu tư có tên là “Dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông”, quy mô 47,3 ha tại phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM.
Đáng chú ý, tài sản bảo đảm này vốn đã là tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Sacombank suốt một thời gian dài. Và trong nỗ lực dọn dẹp các khoản nợ xấu từ "triều đại cũ", hồi cuối năm 2019, Sacombank đã mang toàn bộ dự án khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông ra rao bán.
Thực chất, tài sản này được gộp chung với “một phần thửa đất số 122, tờ bản đồ số 107, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP. HCM” trong một thông báo bán đấu giá, do Sacombank phát hành vào cuối năm 2018 có giá khởi điểm là 6.029 tỷ đồng.
Đặc biệt, Tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông không phải là dự án địa ốc “khủng” duy nhất có liên quan đến Saigon NIC mà Sacombank đang rao bán.