Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, năm 2023, ngân hàng Vietcombank dự kiến lãi tối thiểu khoảng 43.000 tỷ đồng.
Một số chỉ tiêu khác đặt ra cho ngân hàng năm nay là: tổng tài sản tăng 9% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%. Huy động vốn từ thị trường 1 tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới mức 1,5%.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, ngân hàng Vietcombankcho biết tập trung thực hiện 6 đột phá chiến lược bao gồm: tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao nhân lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và triển khai đúng tiến độ với tinh thần quyết tâm cao nhất Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đưa ra 3 trọng tâm trong dịch chuyển cơ cấu hoạt động kinh doanh của Vietcombank gồm:
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng hiệu quả bền vững: Gia tăng tỷ trọng và chất lượng tài sản đảm bảo trong tổng dư nợ; tăng trưởng tín dụng bán buôn gắn với phát triển khách hàng và dịch vụ; tăng trưởng tín dụng bán lẻ, tín dụng tại PGD đồng thời với việc đảm bảo chất lượng tín dụng
Thứ hai, phấn đấu cải thiện tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu nhập từ dịch vụ. Mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ trên kênh số và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng.
Thứ ba, cơ cấu danh mục nguồn vốn theo hướng gia tăng hiệu quả. Phát triển mạnh mẽ vị thế tạo lập thị trường của Vietcombank.
Thêm vào đó, trong giai đoạn 2023-2028 ngân hàng đặt ra định hướng một số chỉ tiêu chính dự kiến như sau: Tăng trưởng cấp tín dụng đối với nền kinh tế dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm; ROE 17 – 18%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5% và tỷ lệ ạn toàn vốn ở mức 10 – 11%. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Vietcombank sẽ sớm trở thành ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ngân hàng Vietcombank cho biết đã trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng cho ngân hàng Vietcombank. Ngân hàng đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc và đang đợi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, lợi nhuận có thể phân phối là hơn 29.390 tỷ. Ngân hàng Vietcombank dự kiến sẽ trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; 10% cho quỹ dự phòng tài chính; 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi (bao gồm quỹ thưởng người quản lý) và 9,8 tỷ đồng cho điều chỉnh giảm khác.
Sau khi trích lập đầy đủ các quỹ, lợi nhuận còn lại của ngân hàng Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng sẽ được dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Một nội dung đáng chú ý khác, ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết ngân hàng đang triển khai 3 phương án về tăng vốn.
Phương án thứ nhất, theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa sẽ hoàn thành.
Phương án thứ hai đã thông tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 đó là tăng vốn từ lợi nhuận còn lại của 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến trước năm 2018. Vốn điều lệ dự kiến tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng đang triển khai thủ tục với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Phương án thứ ba là phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, ngân hàng Vietcombank đang triển khai thuê tư vấn tài chính để hỗ trợ lựa chọn cổ đông nước ngoài, dự kiến trong năm 2023-2024.
Về nhân sự, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới dự kiến là 11 người, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.
Trước mắt, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ngân hàng sẽ bầu 8 thành viên. Danh sách đề cử có các thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm gồm: ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Nguyễn Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc; ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hào, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Hồng Quang là thành viên Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, Vietcombank bầu tái cử ông Shojiro Mizoguchi, thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới. Ông Shojiro Mizoguchi là người đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài do cổ đông Mizuho đề cử.
Về thành viên độc lập, ngân hàng dự kiến bầu ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Viet Lotus. Ông Ngoạn là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên Tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank, hiện nay đã nghỉ hưu.
Đáng chú ý, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ cũ sẽ không tham gia vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới. Ngân hàng Vietcombank cho biết, không bầu tái cử chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị độc lập đối với ông Trương Gia Bình theo nguyện vọng cá nhân cá nhân.
Về Ban Kiểm soát, Vietcombank sẽ bầu tái cử 4 Thành viên Ban Kiểm soát đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 bao gồm: ông Lại Hữu Phước, Trưởng Ban Kiểm soát; bà La Thị Hồng Minh, bà Đỗ Thị Mai Hương và Bà Trần Mỹ Hạnh là Thành viên Ban Kiểm soát.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều ngày 21/4, giá cổ phiếu VCB đang ghi nhận ở mức 87.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa trên thị trường vào khoảng 414.095 tỷ đồng.