Vimedimex mập mờ công bố thông tin tài chính

Là cổ đông có tỷ lệ góp vốn lớn nhất vào Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô Thị Vĩnh Hưng (Vĩnh Hưng), nhưng Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (Vimedimex) lại mập mờ trong việc công b
Vimedimex mập mờ công bố thông tin tài chính

Giấy phép Đăng ký kinh doanh cấp lần thứ 7, ngày 9/12/2016 của Công ty Vĩnh Hưng thể hiện các thông tin: Địa chỉ trụ sở chính: tầng 6, Tòa nhà Vimedimex Group, Số 46 - 48 Bà Triệu, Phường Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội; Vốn điều lệ: 4.500 tỷ đồng.

Giấy phép này cũng nêu rõ: “Cơ cấu vốn điều lệ: Công ty Vimedimex góp 67,27% vốn điều lệ (tương đương 3.027,15 tỷ đồng). Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nhà số 7 Hà Nội góp 2% vốn điều lệ (tương đương 90 tỷ đồng). Ông Nguyễn Quốc Cường (đã chuyển nhượng): 0% vốn điều lệ. Bà Mai Thị Hằng góp 20% vốn điều lệ (tương đương 900 tỷ đồng). Ông Lê Xuân Tùng góp 10,73% vốn điều lệ (tương đương với 482,85 tỷ đồng)”.

Như vậy, cổ đông lớn nhất và chi phối Công ty Vĩnh Hưng là Công ty Vimedimex, hiện là công ty đại chúng niêm yết với mã cổ phiếu VMD tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), với việc nắm giữ 67,27% vốn điều lệ của Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc và điều tra của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Vimedimex và các cổ đông khác đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong việc góp vốn này.

Theo đó, Công ty Vimedimex đã vi phạm việc không thực hiện công bố thông tin khi thực hiện góp vốn đầu tư vào Công ty Vĩnh Hưng theo quy định tại Điểm h, Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố thông tin của công ty đại chúng.

Cụ thể, các báo cáo tài chính và tài liệu công bố thông tin thực hiện theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cũng như của HOSE để công khai tới nhà đầu tư, cổ đông, các cơ quan quản lý nhà nước của Vimedimex từ năm 2014 cho đến hết năm 2016 không thể hiện bất cứ một nội dung nào về việc công ty này thực hiện góp vốn vào Vĩnh Hưng.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Luật sư Mai Thế cần, Văn phòng luật sư Trọng Hải và Cộng sự cho rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của Công ty Vimedimex, bởi  không thực hiện công bố thông tin tới các nhà đầu tư, cổ đông và các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính khi thực hiện việc góp vốn và là công ty mẹ của Công ty Vĩnh Hưng.

Chưa dừng lại ở đó, việc góp vốn của Công ty Vimedimex vào Công ty Vĩnh Hưng có biểu hiện gian dối. Cụ thể, theo thông tin đăng ký kinh doanh được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cung cấp, vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hưng là 4.500 tỷ đồng, Công ty Vimedimex góp 67,27% vốn điều lệ, tương đương với 3.027 tỷ đồng. Tuy nhiên, năng lực thực sự của Công ty Vimedimex so với số vốn phải góp vào Công ty Vĩnh Hưng là khó có thể thực hiện được và có nhiều biểu hiện không minh bạch.

Bởi lẽ, từ năm 2014 đến nay, vốn điều lệ của Công ty Vimedimex chỉ trong khoảng 81 tỷ đồng đến 154 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu chỉ khoảng 186 - 268 tỷ đồng (Báo cáo tài chính đã kiểm toán của Vimedimex các năm 2014, 2015 và 2016). Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 6/2017 của Vimedimex vào khoảng 38 - 43 tỷ đồng. Toàn bộ các thông tin liên quan đến quá trình thành lập chi phí tài chính cho Công ty Vĩnh Hưng đều không được thể hiện.

“Có thể thấy, Vimedimex đã không công khai kế hoạch tài chính với cổ đông và các thành viên thị trường chứng khoán, biểu hiện sự không minh bạch trong quá trình báo cáo năng lực tài chính với các cơ quan có thẩm quyền để được lựa chọn là nhà đầu tư khi thực hiện dự án”, luật sư Mai Khắc Cần nhận định.

Cũng theo ông Cần, với dẫn chứng nêu trên, cổ đông Vimedimex và Vĩnh Hưng đã vi phạm  Điều 112 Luật Doanh nghiệp tại các nội dung: Chưa thanh toán đủ số vốn đăng ký của Công ty Vimedimex vào Công ty Vĩnh Hưng theo quy định tại Khoản 1, 3 Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2014. Đồng thời, cũng không thực hiện việc đăng ký lại vốn điều lệ thực góp theo Luật trên.

Sau khi liên hệ với chi nhánh Công ty Vimedimex tại Hà Nội, đại diện chi nhánh này cho biết hãy liên hệ công ty mẹ (Công ty Vimedimex) để làm việc. Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhiều lần liên hệ với Vimedimex nhưng không được hợp tác.

Theo TNCK

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...