Trước đó, cổ phiếu VJCchiếm tỷ trọng 2,3% trong danh mục của VOF, tương ứng giá trị khoảng 21,4 triệu USD. VOF bắt đầu đầu tư vào Vietjet trong đợt IPO hồi cuối tháng 12/2016 với tổng giá trị đầu tư là 20 triệu USD, sau đó tiếp tục mua thêm lượng cổ phiếu VJC trị giá 18 triệu USD.
Số tiền mà VOF thu về sau thoái vốn là 80 triệu USD từ tiền bán cổ phiếu và cổ tức nhận về. Tỷ suất IRR (hoàn vốn nội bộ) cho thương vụ đầu tư vào Vietjet là 86%.
VOF nhận định, đây là một thương vụ thoái vốn thành công tại một công ty hàng đầu trong lĩnh vực tăng trưởng cao.
VinaCapital là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Thông qua các quỹ con, hiện VinaCapital đã rót tổng cộng 1,8 tỷ USD vào hơn 170 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ngoài Vietjet, liên quan đến nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo VOF còn có một khoản đầu tư khác tại HDBank, chiếm 2,7% giá trị tài sản thuần của quỹ VOF.
Thông qua VOF, VinaCapital cũng đang là cổ đông lớn thứ 4 tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG), với 4,88% cổ phần nắm giữ, tương đương giá trị thị trường hơn 3.800 tỷ đồng. Hiện khoản đầu tư này chiếm tới 14,5% NAV của VOF và là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này.
Đánh giá về HPG, VOF cho biết diễn biến kém tích cực của cổ phiếu (giảm 1,5%) do ảnh hưởng của giá quặng sắt. Vào cuối tháng 7, giá quặng sắt lên mức 120 USD/tấn, tăng gần gấp đôi so với mức 70 USD/tấn vào đầu năm. Do HPG phải nhập khẩu quặng sắt lớn nên điều này có thể ảnh hưởng tới KQKD quý 3.
Kể từ khi tạo đỉnh vào tháng 7, giá quặng sắt đã có dấu hiệu "hạ nhiệt" và giảm 25% xuống còn 90 USD/tấn và điều này có lợi cho HPG. Bên cạnh đó, việc ban lãnh đạo công ty tuyên bố mua thêm cổ phiếu, cùng việc vận hành nhà máy Dung Quất sẽ là yếu tố hỗ trợ cho những biến động ngắn hạn của cổ phiếu.
Bên cạnh HPG, CTD, Ricons (OTC: RCI) là những cổ phiếu có tác động tiêu cực đến danh mục của quỹ. Với CTD, VOF cho rằng việc cổ phiếu giảm mạnh trong tháng 8 (giảm 16,2%) có thể liên quan đến tin đồn nhóm cổ đông Kusto nâng sở hữu CTD lên 51%, qua đó sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động của doanh nghiệp.
Tại ĐHCĐ vào tháng 4, Kusto đã phủ quyết phương án M&A công ty liên kết Ricons. Do căng thẳng giữa nhóm cổ đông lớn và ban lãnh đạo đã khiến nhiều cổ đông thiểu số bán cổ phiếu bất kể định giá khiến CTD "lao dốc".
Ngoài ra, VOF cũng đã chi ra tổng cộng gần 45 triệu USD để tham gia vào đợt IPO của 2 công ty lớn trong ngành dầu khí Việt Nam là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất, và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (POW) vào tháng 1/2018.
>> Vietjet Air trở thành cổ đông lớn của SAGS, CTCP Đầu tư khai thác Cảng có vi phạm quy định?