ĐHCĐ thường niên năm 2016 của Vingroup thông qua phương án chia cổ tức 11% bằng cổ phiếu
Đến 9h05 phút, Ban kiểm tra tư cách cổ đông cho biết, đã có 202 cổ đông, người được uỷ quyền tham dự ĐHCĐ, đại diện cho tỷ lệ 85,77% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. ĐHCĐ thường niên 2016 của Vingroup đủ điều kiện tiến hành theo quy định pháp luật.
Tăng vốn thêm hơn 2.100 tỷ đồng
Theo tờ trình của HĐQT, lợi nhuận sau thuế lũy kế tại thời điểm thời điểm 31/12/2015 (đã kiểm toán) của Vingroup đạt gần 1.264 tỷ đồng. Trong quý 1/2016, tập đoàn này cho biết đạt khoảng 1.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Do đó, HĐQT sẽ xin ý kiến cổ đông tại kỳ họp này chấp thuận chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%.
Cụ thể, trong phương án phân phối lợi nhuận gửi cổ đông tại cuộc họp, Vingroup dự kiến chia cổ tức 11% bằng cổ phiếu gồm: chia từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến hết năm 2015 với tỷ lệ 1.000:60 (tổng giá trị gần 1.164 tỷ đồng), chia từ lợi nhuận sau thuế lũy kế đến hết 31/3/2016 với tỷ lệ 1.000:50 (tổng giá trị là 969.9 tỷ đồng).
Các cổ phiếu phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Như vậy, Vingroup dự kiến phát hành tổng số 213.4 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị mệnh giá là 2.133,8 tỷ đồng. Hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng được Vingroup thực hiện trong vài năm gần đây, kết hợp chia một tỷ lệ nhất định bằng tiền mặt dù công ty liên tục tăng trưởng lợi nhuận cao.
Mục tiêu lợi nhuận 3.000 tỷ đồng
Trong năm 2016, Vingroup xác định kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu tăng trưởng cao. HĐQT xác định sẽ có tăng trưởng đột phá trên tất cả các mảng hoạt động chính: bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp. Dự kiến, năm 2016 tập doàn sẽ đạt doanh thu thuần 45.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.000 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2015, Vingroup đạt doanh thu thuần 34.048 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2014. Đáng chú ý, mảng bán lẻ tăng trưởng tới 987%, đạt doanh thu 4.305 tỷ đồng, chuyển nhượng bất động sản 21.179 tỷ đồng, cho thuê BĐS đầu tư và các dịch vụ liên quan 2.655 tỷ đồng.
Hoạt động khách sạn, du lịch và vui chơi giải trí đóng góp 2.848 tỷ đồng; cung cấp dịch vụ bệnh viện 771 tỷ đồng; cung cấp dịch vụ xây dựng 1.028 tỷ đồng; giáo dục đạt 514 tỷ đồng và từ các hoạt động khác là 747 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ VIC đạt mức 1.216 tỷ đồng.
Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch HĐQT Vingroup cho biết, tập đoàn đã và đang triển khai hàng loạt dự án lớn, gồm Khu chức năng đô thị thành phố xanh – Vinhomes Gardenia Hà Nội, khu đô thị Vinhomes Riverside 2, tổ hợp Metropolis Hà Hội, Vinhomes Central Park, Vinhomes Hải Phòng, Vinhomes Dragon Bay… Hàng loạt dự án được triển khai tại các tỉnh thành phố lớn với mục tiêu năm 2016 sẽ khai trương thêm khoảng 20 trung tâm thương mại, 19 dự án shophouse tại Hà Nội, TPHCM và 16 tỉnh thành.
Thu hút thêm vốn ngoại
HĐQT cũng báo cáo cổ đông về hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào mảng kinh doanh bán lẻ. Cụ thể, ngày 25/6/2015, hai nhà đầu tư là WP Investments III B.V (WP) và Credit Suisse AG chi nhánh Singapore (CS) đã hoàn tất việc đầu tư thêm 100 triệu USD mua cổ phần ưu đãi (phát hành thêm) của Công ty CP Vincom Retail. Đến nay, khoản đầu tư của WP và CS tại Vincom Retail có giá trị lên đến 300 triệu USD.
Theo các thỏa thuận đã ký trước đây, Vingroup sẽ phải thực hiện hoá đổi cổ phần ưu đãi của nhà đầu tư tại Vincom Retail sang cổ phần phổ thông của Vingroup và quyền chọn mua cổ phần của tập đoàn. Hiện, hai nhà đầu tư này vẫn chưa thực hiện quyền hoán đổi cổ phần.
Do đó, HĐQT trình cổ đông chấp thuận phương án phát hành cổ phần mới và phương án sử dụng giá trị nhận được từ đợt phát hành. Số cổ phần dự kiến phát hành không vượt quá 8,6% vốn điều lệ Vingroup. Với cổ phần Vincom Retail mà Vingroup nhận được sau khi hoán đổi, tập đoàn sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên và tỷ lệ cụ thể do sau hoán đổi sẽ do HĐQT quyết định.
Trước đó, Vingroup cũng báo cáo cổ đông kết quả hoàn thành đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi quốc tế năm 2012 với tổng giá trị 300 triệu USD. Đến ngày 16/3/2016, Vingroup đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ 300 triệu USD trái phiếu cho trái chủ thành cổ phần của tập đoàn. Toàn bộ trái phiếu đã phát hành được hủy bỏ và hủy niêm yết trên Sở GDCK Singapore.
Hiện VIC đang được phép duy trì mức phong tỏa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 20% tổng số cổ phần đã phát hành để dự trữ cho việc chuyển đổi trái phiếu và dự phòng cho kế hoạch phát hành bổ sung, chào bán và niêm yết cổ phần phổ thông ra nước ngoài.
Do đã chuyển đổi xong toàn bộ 300 triệu USD trái phiếu nên HĐQT trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh mức phong tỏa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống mức 10%. Điều chỉnh này nhằm dự phòng cho các kế hoạch phát hành và niêm yết thêm cổ phiếu liên quan đến đối tượng đầu tư là người nước ngoài và các mục đích khác được ĐHĐCĐ phê duyệt.
Phương Nga