Gần 11h hôm nay (15/1), vị kiểm sát viên thứ 3 đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày quan điểm đối đáp với các luật sư xung quanh cáo buộc Tham ô tài sản với 10 bị cáo, trong đó có Trịnh Xuân Thanh. Trước đó ít phút, đại diện VKS cũng có phần đối đáp với các luật sư về hành vi bị truy tố của bị cáo Đinh La Thăng.
'Họ thừa nhận bị truy tố tội tham ô là có căn cứ'
Theo vị kiểm sát viên, 15 luật sư đã trình bày phần bào chữa cho nhóm các bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản. Họ đã đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình. Có 9/10 bị cáo khai nhận tội tham ô, hầu như không có ý kiến khi bào chữa.
"Họ thừa nhận bị truy tố tội Tham ô là có căn cứ, đúng pháp luật", kiểm sát viên nói và cho hay phần đối đáp của mình là đối đáp với 15 luật sư và duy nhất với 1 bị cáo là Trịnh Xuân Thanh.
Theo kiểm sát viên, tại phiên tòa này, ông thấy các luật sư đã tham gia tích cực vào phần xét hỏi tại tòa để kiểm tra, đánh giá chứng cứ, cũng đưa ra những quan điểm phân tích. Vị đại diện VKS sau đó công bố hàng loạt lời khai của các bị cáo khi bị bắt giữ nhằm chứng minh cho hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như Trịnh Xuân Thanh.
Để chứng minh cho việc Thanh và Vũ Đức Thuận chủ mưu, chỉ đạo và trực tiếp tham gia hành vi phạm tội, đại diện VKS nêu hàng loạt quan điểm, cũng như các chứng cứ vật chất.
Cụ thể, VKS dẫn chứng lời khai của các bị cáo Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó tổng giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển - Chánh văn phòng PVC... Họ đều khai bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) đã trao đổi, thống nhất chủ trương yêu cầu các đơn vị trực thuộc, thành viên lo nguồn tiền và hợp thức bằng hồ sơ chứng từ chuyển về văn phòng PVC. "Chủ trương này được nhắc tại cuộc họp giao ban có sự tham gia và đồng chủ trì của Thanh và Thuận", kiểm sát viên nói.
Trong đó, Vũ Đức Thuận khai tháng 10/2009, khi được bổ nhiệm Tổng giám đốc PVC, công ty đã có chủ trương nhận tiền từ các đơn vị thành viên thuộc tổng công ty để chi đối ngoại. "Anh Thanh đã gặp trực tiếp tôi để trao đổi xin tiền một số đơn vị thành viên của tổng công ty để đi đối ngoại và thống nhất giao văn phòng là đầu mối nhận tiền", cơ quan giữ quyền công tố trích lời khai.
Còn Nguyễn Anh Minh khai rằng chủ trương này do Trịnh Xuân Thanh và Thuận thống nhất và triển khai tới các đơn vị thành viên để tập hợp nguồn tiền về. Thanh và Thuận giao cho Bùi Mạnh Hiển tập hợp để nhận tiền.
Trong khi đó, bị cáo Bùi Mạnh Hiển thì cho rằng mình nhận tiền của các đơn vị thành viên trong đó có ban điều hành dự án Vũng Áng và đã được Trịnh Xuân Thanh và Thuận thống nhất.
Đáng chú ý, trong phần thẩm vấn trong tòa cũng như khi các luật sư xét hỏi, một lần nữa các bị cáo Hòa, Minh, Thuận, Hiển tiếp tục khẳng định Trịnh Xuân Thanh là người đề ra chủ trương yêu cầu các đơn vị cấp dưới trong đó có ban điều hành dự án Vũng Áng chuyển tiền cho lãnh đạo PVC chi đối ngoại.
"Đây là những chứng cứ vật chất. Toàn bộ việc chuyển tiền cho Thanh được thể hiện trên các tài khoản cá nhân mà đầu vào từ bị cáo Hòa và văn phòng. Tại sao lại nói không có chứng cứ vật chất", vị đại diện VKS đặt câu hỏi.
'Chuẩn bị 4 đồng nhé'
Đầu tháng 1/2012, để có tiền sử dụng trái mục đích trong dịp Tết 2012, tại phòng làm việc của Trịnh Xuân Thanh, Thanh đã chỉ đạo Minh nói Lương Văn Hòa lo 5 tỷ đồng để Thanh tiêu Tết. Vũ Đức Thuận khai mình có mặt tại cuộc gặp trên.
Theo lời Thuận, đầu tháng 1/2012, khi ông ta đang lên báo cáo Thanh về tình hình kinh doanh của PVC, Thanh đã tự chủ động gọi điện cho Nguyễn Anh Minh lên phòng làm việc và bảo "chuẩn bị cho anh Thanh mấy tỷ đồng để Thanh đi chúc Tết".
Khi Minh đáp không có tiền thì Thanh nói: “Mày chỉ đạo ban điều hành chuẩn bị tiền", kiểm sát viên trích lời khai của Thuận.
Còn Lương Văn Hòa khai: Đầu tháng 1/2012, được Minh gọi điện nói anh Thanh chỉ đạo "mày lo Tết cho tổng công ty" và "chuẩn bị 4 đồng nhé".
Vị đại diện VKS cung cấp nhiều văn bản, các bản kết luận giám định chữ viết, chữ ký do Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận ký, chứng minh họ không chỉ chủ mưu đề ra chủ trương mà nhận thức rõ Minh và Hòa và đồng phạm muốn chiếm đoạt tài sản phải hợp thức hóa hồ sơ khống.
"Chúng tôi đánh giá đây là chứng cứ vật chất nhưng các luật sư đã không quan tâm đánh giá", đại diện VKS nói đồng thời khẳng định việc Thanh và Thuận ký quyết định phiếu lấy ý kiến của cấp dưới chứng minh mục đích, ý thức chủ quan của 2 bị cáo phải hoàn tất các thủ tục khống để chiếm đoạt tài sản.
Theo VKS, qua nghiên cứu lời khai các bị cáo, các chứng cứ thu thập được đảm bảo logic với nhau. Kết hợp các lời khai có thể khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới hợp thức chứng từ chiếm đoạt tài sản, trong đó cá nhân Thanh nhận 4 tỷ đồng. Điều này đã đủ căn cứ chứng minh Trịnh Xuân Thanh tham ô 4 tỷ đồng như truy tố.
Theo cáo trạng, Đinh La Thăng đã chỉ định PVC thực hiện, ký gói thầu EPC trái quy định. Sau đó, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí chỉ đạo cấp dưới tạm ứng sai quy định hơn 6,6 triệu USD và 1.300 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.100 tỷ sai mục đích.
Nhóm cán bộ ngành dầu khí bị truy tố tội Cố ý làm trái do tham gia vào việc chỉ đạo PVC ký hợp đồng, tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng sai quy định. Riêng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận và 8 người khác bị truy tố tội Tham ô tài sản do cấu kết lập hồ sơ khống để rút 13 tỷ đồng chia nhau sử dụng.
Theo Zing