TS. Võ Trí Thành
Trong thời gian tới, NHNN sẽ mạnh tay đối với những sai phạm trong việc góp vốn cổ phần hay đầu tư vào các công ty con của các NH… Đó là thông điệp của NHNN ngay đầu năm mới.
Ông có thể nói rõ hơn lý do cần thiết phải “mạnh tay” hơn trong tái cơ cấu NH?
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, NHNN cũng đã triển khai khá quyết liệt tái cơ cấu hệ thống NH. Nhưng, đặt trong bối cảnh mới, gắn với những tiêu chí mới theo chuẩn quốc tế lành mạnh hóa, nâng cao chất lượng quản trị NH, đặc biệt là quản trị rủi ro đòi hỏi phải có sự cải tổ mạnh mẽ hơn nữa nhất là sở hữu chéo (SHC). Đây cũng là vấn đề then chốt giúp minh bạch, lành mạnh hóa hệ thống góp phần tăng cường độ tin cậy của thị trường và NĐT trong và ngoài nước. Trong bối cảnh nền kinh tế tái cấu trúc quyết liệt giai đoạn tới, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, chắc chắn nhiệm vụ tái cơ cấu của hệ thống NH phải diễn ra mạnh mẽ hơn.
Theo ông giải pháp nào để xử lý hiệu quả vấn đề SHC?
Muốn minh bạch hóa hệ thống NH chắc chắn phải xử lý dứt điểm SHC. Vì sao? Chúng ta đều biết, giai đoạn trước, không ít trường hợp SHC tại các NH liên quan đến các DN sân sau, dòng tiền lớn là các khoản tín dụng lớn, đặc biệt là bất động sản. Nếu nhìn các con số có thể chúng ta nghĩ rủi ro đó mang tính đơn lẻ vì nó chỉ liên quan đến một DN gắn với một NHTM. Nhưng, thực tế đối với lĩnh vực NH thì mức độ lan tỏa rủi ro rất rộng mang tính hệ thống. Vì thế, xử lý câu chuyện SHC sẽ hạn chế rủi ro của cả hệ thống.
Tôi nghĩ rằng, cách giám sát hiệu quả, ngăn chặn một cách tối đa SHC không cần phải quá cứng nhắc bằng các mệnh lệnh hành chính mà vẫn để thị trường vận hành bình thường. NHNN giám sát “đường đi nước bước” của các NH qua yêu cầu nâng cao tính minh bạch, chế độ báo cáo và khả năng giám sát tại chỗ đáp ứng tính tức thời của dòng thông tin… Giả sử những khoản tín dụng lên tới vài nghìn tỷ đồng phải giám sát chặt chẽ ngay từ đầu. Hoặc đối với những trường hợp khác ngay khi thấy nguy cơ rủi ro, NHNN chủ động đưa ra những cảnh báo và có các công cụ cần thiết giảm thiểu rủi ro, hạn chế tối đa khả năng gây bất ổn thị trường.
Theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN tỷ lệ CAR giảm từ 9% xuống 8%. Nhưng đến năm 2020 mới chính thức áp dụng quy định này. Ông nghĩ sao về quy định mới này?
Nếu nhìn con số tuyệt đối có thể là NHNN “nương tay” đối với các NH nhưng thực tế cách tính tỷ lệ CAR mới theo chuẩn Basel II bổ sung thêm các rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động thay vì chỉ có rủi ro tín dụng như trước đây thì con số 8% không hề dễ dàng đối với các NH. Con số trên cũng như thời gian NHNN áp dụng theo tôi đã được cơ quan quản lý tính toán rất cẩn trọng.
Hiện tại, khi NH vẫn là kênh cấp vốn chủ lực cho nền kinh tế thì tín dụng phải tăng cao mới đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng. Nhưng nếu đáp ứng đòi hỏi khắt khe trên, đảm bảo hệ số CAR buộc các NH phải tăng vốn mới mở rộng tín dụng được. Như bạn biết, tăng vốn trong thời điểm này không phải là công việc dễ dàng đối với các NH.
Thứ nhất, nguồn lợi nhuận của các NH vẫn tiếp tục phải sử dụng nhiều trích lập DPRR xử lý nợ xấu, chưa kể đóng góp ngân sách.
Thứ hai, có thể thông qua phát hành cổ phiếu nhưng hiện nay, tìm kiếm các NĐT thực sự quan tâm đến cổ phiếu NH không phải đơn giản trong khi room dành cho đối tác ngoại của nhiều NH đã hết.
Cách thứ ba để tăng vốn là phát hành trái phiếu. Cách này không căn cơ do chi phí phải trả cao, sau này chuyển đổi phức tạp hơn… Vì vậy, việc NHNN kéo thời gian để áp dụng Thông tư 41 đến năm 2020 giúp các NH “dễ thở” hơn có thời gian chuẩn bị tốt hơn khi bước vào hội nhập sâu rộng.
Xin cảm ơn ông!