Vụ Mumuso Việt Nam bán 99,3% hàng Trung Quốc: Chỉ xử phạt hành chính

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh của Mumuso Việt Nam sẽ bị xử phạt khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều vi phạm khác sẽ được Cục
Vụ Mumuso Việt Nam bán 99,3% hàng Trung Quốc: Chỉ xử phạt hành chính

Sáng 17/7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, cho biết với các sai phạm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (gọi tắt là Mumuso Việt Nam) đã được chỉ ra, doanh nghiệp này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 185 về xử phạt vi phạm hành chính trong sản xuất, buôn bán hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường sẽ là đầu mối xem xét và công bố các mức xử phạt theo quy định của pháp luật.

"Các vi phạm của Mumuso Việt Nam đã chuyển sang Cục Quản lý thị trường. Mức xử phạt thế nào còn phụ thuộc vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ" – ông Tuấn nói.

Riêng với các vi phạm dưới góc độ pháp luật về cạnh tranh của công ty này, ông Trịnh Anh Tuấn cho biết mức xử phạt là trên 100 triệu đồng.

Trả lời câu hỏi với các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là lừa dối người tiêu dùng của Mumuso Việt Nam, liệu doanh nghiệp này có bị yêu cầu các biện pháp xử lý khác như đình chỉ kinh doanh, chuyển cho cơ quan điều tra…, ông Trịnh Anh Tuấn cho hay: "Vi phạm của công ty chưa đến mức phải đóng cửa mà chỉ cần yêu cầu khắc phục các lỗi mắc phải. Nếu họ khắc phục tốt thì được phép tiếp tục kinh doanh, còn không khắc phục thì sẽ có biện pháp xử lý khác".

Được biết, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đang chỉ đạo xem xét xử phạt Mumuso với các dấu hiệu vi phạm pháp luật và sẽ sớm công bố hình thức.

Trước đó, trong thông báo kết luận kiểm tra của Bộ Công Thương với Mumuso Việt Nam, công ty này được cho là đã có 2257/2273 (chiếm 99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc; phần còn lại được công ty mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác trong nước.

Đặc biệt, trong thông tin, tài liệu cung cấp công khai cho người tiêu dùng, công ty sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin, nhất là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Xét trên góc độ pháp luật về cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết việc công ty sử dụng một số nội dung quảng cáo công khai tại cửa ra vào địa điểm kinh doanh như: "Mumuso; Giá chỉ từ 22.000; KOREA"; sử dụng chữ KOREA trên các túi đựng sản phẩm, là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của Công ty liên quan đến KOREA (Hàn Quốc).

Ngoài ra, công ty này còn bị kết luận nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật khác.

Thời gian qua, thị trường Việt Nam nở rộ các thương hiệu mang phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản (như Miniso, Daiso, Mumuso, Yoyoso...) và thu hút lượng khách hàng nhất định. Một trong những nguyên nhân được cho là bởi hành vi mua sắm của giới trẻ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phim, ảnh, sách, truyện... từ các nước trên. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy phần nhiều sản phẩm được bày bán tại các chuỗi cửa hàng này có nguồn gốc Trung Quốc.

Theo báo NLĐ

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...