Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước: Người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng

Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước

Thời gian qua, không chỉ thế giới, Việt Nam cũng nổi lên sóng vàng. Giá mặt hàng kim loại quý này liên tục tăng cao khiến người dân đổ xô đi giao dịch. Với diễn biến đó, Thương gia đã có buổi trao đổi với ông Đào Xuân Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước.

Nguyên nhân vàng miếng SJC tăng giá thời gian qua là gì, thưa ông?

Như chúng ta thấy trong năm 2023, do căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm khiến giá vàng quốc tế biến động mạnh theo hướng tăng là chủ đạo.

Trên thị trường trong nước, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24 được ban hành, nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Do vậy, có thể thấy nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC có chiều hướng giảm dần từ chiều ngày 28/12/2023, trên thị trường khách hàng đang có xu hướng bán ròng vàng miếng SJC.

Vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng.

Trước việc giá vàng miếng SJC tăng cao, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì?

Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24/2012 NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.

Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chúng tôi đã sẵn sàng có giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.

Công ty SJC có được tự sản xuất vàng miếng hay không, thưa ông?

Từ khi Nghị định 24 được ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê công ty gia công vàng miếng khi có nhu cầu và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng cần sửa đổi cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, Ngân hàng Nhà nước dự kiến có chỉnh sửa Nghị định 24, thưa ông?

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến các Bộ, ngành chức năng có liên quan, Hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia về báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24. Trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Có thể bạn quan tâm