Vụ Vạn Thịnh Phát: Một Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,2 triệu USD

Bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận tiền hối lộ từ Ngân hàng SCB lên tới 5,2 triệu USD...

Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân. Ảnh: Bộ Công an
Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân. Ảnh: Bộ Công an

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.

Trong số này, bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố 3 tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản. Bị can Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.

Nhóm bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo buộc, bà Nhàn là trưởng đoàn và là người chỉ đạo đoàn thanh tra chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, bị can này đã nhận tiền từ Ngân hàng SCB (thông qua ông Võ Tấn Hoàng Văn, tổng giám đốc) số tiền lên tới 5,2 triệu USD, tương đương hơn 118 tỷ đồng.

Thông qua hành vi nhận hối lộ, bà Nhàn bao che, bưng bít cho sai phạm của Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan. Bị can chỉ đạo cấp dưới, bỏ ra ngoài số liệu phân loại nợ xấu gần 38.000 tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro hơn 18.700 tỷ đồng… nhằm mục đích có lợi cho Ngân hàng SCB để hợp thức, đưa vào báo cáo đoàn thanh tra, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo Chính phủ.

Bà Nhàn còn bị cáo buộc báo cáo không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm; tạo điều kiện giúp Ngân hàng SCB tiếp tục tái cơ cấu. Hành vi này khiến Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.

Cũng trong kết luận trên, ngày 17/11, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, đề nghị truy tố về ba tội: Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng Tham ô tài sản.

Ngoài ra, bà Lan còn bị khởi tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếuRửa tiền. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã tách vụ án này ra để tiếp tục điều tra và xử lý sau.

Theo kết luận điều tra, Ngân hàng SCB là một loại hình công ty cổ phần, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; đồng thời là một tổ chức tín dụng, hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Bà Lan không nắm giữ chức vụ nào tại SCB nhưng là người có quyền tại đây vì từ khi sáp nhập (năm 2012) đến nay bà luôn nắm cổ phần chi phối từ 85% đến 91,5%; số cổ phần còn lại (<10%) do hơn 4.000 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.

Theo Bộ Công an, với việc nắm cổ phần chi phối hoạt động, bố trí người thân tín giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB (Hội đồng quản trị, Ban điều hành) nên mọi hoạt động của ngân hàng này "đều cơ bản phục vụ hoạt động" của bà Lan.

Bà Lan bị cáo buộc sử dụng SCB để huy động vốn, sau đó chỉ đạo người tại SCB và Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ hợp thức hóa như một khoản vay để rút tiền. Cơ quan điều tra cho hay dù áp dụng "cách tính có lợi cho bị can" nhưng số tiền bà Lan chiếm đoạt đặc biệt lớn, lên đến 304.096 tỷ đồng của SCB. Đây được xác định là tiền người dân, khách hàng gửi.

Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, bà Lan bị cáo buộc gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.

Theo Bộ Công an, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức còn có "hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật" để tạo lập 25 gói trái phiếu có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng. Họ bán lô trái phiếu này nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.

Vụ án liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được C03 điều tra từ 7/10/2022 với 4 người đầu tiên bị bắt là bà Trương Mỹ Lan; Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor; Nguyễn Phương Hồng, trợ lý Vạn Thịnh Phát; Hồ Bửu Phương, cựu chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Ngày 28/3, C03 khởi tố bà Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) và 4 người của đoàn thanh tra liên ngành thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bộ Công an đang truy nã hai cựu chủ tịch Ngân hàng SCB Nguyễn Thị Thu Sương và Đinh Văn Thành cùng 5 cấp dưới Chiêm Minh Dũng, cựu phó tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT SCB; Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu phó giám đốc Chi nhánh Bến Thành SCB.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...