WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam chững lại còn 6,6% năm 2019

Theo WB, tuy triển vọng trung hạn của Việt Nam nhìn chung thuận lợi, nhưng vẫn còn những rủi ro bất lợi do sức cầu bên ngoài giảm đi, biến động tài chính toàn cầu và tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà
WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam chững lại còn 6,6% năm 2019

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện nền tảng tích cực, với sự hỗ trợ của sức cầu mạnh trong nước và ngành sản xuất chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu. Tỷ lệ nghèo cùng cực ước tính giảm xuống dưới mức 3%. Tuy triển vọng trung hạn nhìn chung thuận lợi, nhưng vẫn còn những rủi ro bất lợi, liên quan đến sức cầu bên ngoài giảm đi, biến động tài chính toàn cầu, và tiến độ cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng.

Nhìn theo hướng tích cực, Việt Nam đang ở vị thế vững vàng để hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sẽ có hiệu lực trong giai đoạn dự báo, WB nhận định.

Bình luận về những diễn biến gần đây, báo cáo cho rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam tiếp tục phải cân đối giữa hai mục tiêu, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặc dù chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn theo hướng tạo thuận lợi, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã từng bước thắt chặt tín dụng trong năm 2018 bằng cách đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại và kiểm soát cho vay các lĩnh vực rủi ro cao (bất động sản, chứng khoán, và tiêu dùng). 

Thanh khoản trong khu vực ngân hàng được thắt lại đáng kể, do tốc độ tăng tiền gửi giảm khiến lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn bị đẩy cao.

Do điều kiện huy động vốn chặt chẽ hơn, tăng trưởng tín dụng hạ xuống khoảng 14% trong năm 2018 (so cùng kỳ năm trước) từ mức 18% năm 2017. Mặc dù vậy, bảng cân đối tài sản của doanh nghiệp và các hộ gia đình có tỷ lệ đòn bẩy ngày càng cao - tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam hiện rơi vào khoảng 135%. 

Vì vậy, nền kinh tế dễ bị tổn thương với các cú sốc và nguy cơ gặp áp lực trên thị trường tài chính, đặc biệt khi nợ xấu trước đây chưa xử lý hết và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng ở một số ngân hàng, WB nhìn nhận.

Phân tích tiếp theo từ WB là mặc dù tình hình thương mại thế giới có nhiều biến động, cán cân kinh tế đối ngoại của Việt Nam vẫn tiếp tục cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt nam ước tính tăng 13,2% trong năm 2018 - thấp hơn so với mức 21,8% năm 2017, nhưng cao hơn đang kể so với tỷ lệ tăng trưởng thương mại toàn cầu. 

Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh còn 11,1% so với 21,9% năm 2018, cho thấy kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trung gian và phục vụ đầu tư giảm mạnh. Hoạt động thương mại sôi động đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới, với tỷ lệ thương mại trên GDP trong năm đạt gần 200%.

Xuất khẩu tốt, theo WB, cũng giúp Việt Nam duy trì được thặng dư tài khoản vãng lai trong tám năm liên tiếp. Thặng dư tài khoản vốn của Việt Nam vẫn ở mức cao do dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn được duy trì ở mức cao. 

Vị thế kinh tế đối ngoại vững chắc làm giảm áp lực tỷ giá, giúp cho Ngân hàng Nhà nước nâng dự trữ ngoại hối từ mức tương đương 2,1 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2015 lên đến khoảng 2,8 tháng vào cuối năm 2018. Nhờ vị thế kinh tế đối ngoại vững vàng, tỷ giá đã và đang tương đối ổn định kể từ giữa năm 2018, nhưng vẫn để lại một số quan ngại về sự mất giá thực của tiền đồng, với khả năng gây tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam.

WB đánh giá, tình hình tài khóa của Việt Nam cũng đã cải thiện khi bội chi ngân sách chung ước tính giảm xuống còn 4% GDP trong năm 2018 so với 4,3% năm 2017 và 4,9% năm 2016. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 23,6% GDP năm 2018 - tương đương với số liệu báo cáo năm 2016 và 2017 - nhờ nguồn thu từ các sắc thuế lớn được khôi phục theo chu kỳ do tăng trưởng mạnh về tiêu dùng và thu nhập. 

Trong cùng kỳ, chi ngân sách ước giảm còn 27,6% GDP trong năm 2018, thấp hơn so với 28,5% năm 2016 và 27,8% năm 2017, chủ yếu do cắt giảm chi đầu tư và hợp lý hóa các nội dung chi có thể chủ động khác.

Các biện pháp trên mặc dù có hiệu quả trong ngắn hạn nhưng lại ảnh hưởng đến đầu tư cần thiết cho hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Chính vì vậy, cam kết tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách của Chính phủ cần được cân đối với những cải cách nhằm tạo dư địa tài khóa để duy trì những nội dung đầu tư quan trọng về hạ tầng và chi tiêu cho các dịch vụ công thiết yếu,  báo cáo nêu khuyến nghị.

Về triển vọng kinh tế trong ngắn hạn theo tính toán sơ bộ của WB nhìn chung tích cực. Tăng trưởng được dự báo sẽ chững lại còn 6,6% năm 2019, do tín dụng được thắt lại, tiêu dùng tư nhân giảm đà và nhu cầu bên ngoài yếu hơn. Áp lực lạm phát vẫn ở mức vừa phải theo dự báo, trong điều kiện sức cầu trên toàn cầu giảm nhẹ, giá cả năng lượng và lương thực thực phẩm ở mức vừa phải.

Nhìn về trung hạn, tăng trưởng dự báo sẽ xoay quanh mốc 6,5% do tác động tăng theo chu kỳ như hiện này sẽ giảm dần. Tỷ lệ nghèo dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi các điều kiện trên thị trường lao động vẫn thuận lợi, WB nhìn nhận.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...