William Tanuwijaya: Từ cậu sinh viên nghèo đến ông chủ startup giá trị nhất Indonesia

Với 1,1 tỷ USD tiền huy động từ các nhà đầu tư, trong đó có tập đoàn SoftBank của tỷ phú Son Masayoshi, PT Tokopedia - công ty sở hữu sàn thương mại điện tử cùng tên lớn nhất Indonesia - đã trở thành
William Tanuwijaya: Từ cậu sinh viên nghèo đến ông chủ startup giá trị nhất Indonesia

Ước tính, sau vòng gọi vốn gần nhất, Tokopedia được định giá ở mức 7 tỷ USD, cao hơn hẳn đối thủ Lazada - sàn thương mại điện tử với sự hậu thuẫn từ gã khổng lồ Alibaba. Dù vậy, đại diện từ Tokopedia lẫn SoftBank đều từ chối bình luận về con số nói trên cũng như không tiết lộ thông tin chi tiết.

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường iPrice Group, Tokopedia là sàn thương mại điện tử có lượng người truy cập hàng tháng cao nhất tại Indonesia trong quý III/2018, theo sau là Bukalapak, Shopee và Lazada. Hiện, phạm vi hoạt động của Tokopedia đã phủ khắp 93% số quận tại Indonesia. Được biết, trong năm qua, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên sàn thương mại điện tử này đã tăng gấp 4 lần, và hiện tại, Tokopedia đã có thể thực hiện giao hàng trong ngày cho khoảng 25% khách hàng của mình.

Thành công mà Tokopedia đạt được gắn liền với sự nỗ lực cũng như tầm nhìn của nhà đồng sáng lập cũng là CEO của nó - William Tanuwijaya.

10 năm trước, vào 2009, nhận thấy tiềm năng phát triển của smartphone cũng như xu hướng mua sắm trực tuyến ngày một gia tăng ở Indonesia, Tanuwijaya đã mạnh dạn thành lập sàn thương mại điện tử này.

Theo báo cáo gần đây của Google và Temasek Holdings Pte., Indonesia hiện là quốc gia sở hữu nền kinh tế Internet lớn nhất, cũng như có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á, với giá trị thị trường thương mại điện tử dự báo đạt 53 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 1,7 tỷ USD năm 2015 và ước tính đạt 12,2 tỷ USD trong năm 2018.

Được biết, trước khi trở thành một trong những doanh nhân trẻ tiêu biểu nhất của Indonesia cũng như gặt hái thành công với Tokopedia, Tanuwijaya có khởi đầu khá khiêm tốn. Chàng doanh nhân năm nay 37 tuổi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, có bố là một công nhân tại thành phố Pematangsiantar, thuộc tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia.

Sau khi hết cấp ba, với tấm vé 1 chiều đi Jakarta được bố mua cho, Tanuwijaya rời quê hương lên thành phố để theo học tại Đại học Bina Nusantara. Gia đình vốn khó khăn, cộng thêm người cha ở quê nhà lâm bệnh trong thời gian đầu ở đại học, Tanuwijaya phải tìm việc làm thêm để tự lo chi phí sinh hoạt ngay từ học kỳ thứ hai.

Theo Bloomberg, Tanuwijaya phải làm việc 12 tiếng/ngày tại một quán cà phê Internet gần trường, từ 21h00 - 9h00 sáng hôm sau. May mắn thay, công việc này giúp anh có thời gian tiếp xúc nhiều hơn với máy vi tính khi cửa hàng vắng khách. Từ đó, anh nuôi dưỡng tình yêu với công nghệ thông tin và ước mơ làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu như Google. Song, ước mơ này đã phải gác lại, vì Google không có văn phòng đại diện ở Jakarta. Tốt nghiệp đại học vào năm 2003, Tanuwijaya đầu quân cho một công ty chuyên sản xuất phần mềm và còn nhận thiết kế website cho các doanh nghiệp nhỏ sau giờ làm việc.

Được biết, phiên bản sơ khai của Tokopedia được Tanuwijaya lần đầu xây dựng vào năm 2007, với mục tiêu thay đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng khi Internet ngày càng trở nên phổ biến. Sau đó, một người bạn của Tanuwijaya là Leontinus Alpha Edison đồng ý cùng anh tham gia vào dự án này. 

Với vốn tiếng Anh bập bẹ, chàng thanh niên 28 tuổi khi đó đã mang ý tưởng của mình đến gõ cửa nhiều nhà đầu tư, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Trong suốt 2 năm, mọi nỗ lực huy động vốn cho Tokopedia đều bất thành. Khi đó, nhiều người đã nghi ngờ khả năng của Tanuwijaya, bởi anh không xuất thân từ một gia đình có nền tảng kinh tế vững chắc, và cũng chẳng tốt nghiệp từ một trường đại học có danh tiếng ở nước ngoài.

Theo trang Tech in Asia, mãi đến 2009, Tokopedia mới huy động được vốn đầu tư vòng hạt giống cho startup của mình từ PT Indonusa Dwitama. Tháng 8/2009, Tokopedia chính thức ra mắt công chúng. Đến tháng 10/2014, sau khi trải qua nhiều vòng gọi vốn, Tokopedia đã thành công huy động được 100 triệu USD từ 2 nhà đầu tư là Softbank Internet and Media và Sequoia Capital - bước đi mang tính cột mốc cho con đường trở thành sàn thương mại điện tử lớn nhất Indonesia sau này.

2014 cũng là năm Tanuwijaya lần đầu gặp mặt tỷ phú Son Masayoshi - nhà sáng lập của SoftBank - người đã góp phần tạo ra bước ngoặt lớn đối với Tokopedia. Nhớ lại quãng thời gian đầy khó khăn lúc trước, Tanuwijaya chia sẻ: “Những người lắc đầu từ chối chỉ hỏi về quá khứ của tôi - điều vốn đã chẳng thể nào thay đổi được. Nhưng, may thay, Son Masayoshi đã ở đó, ông là người đã hỏi tôi nghĩ gì về tương lai. Ông ấy không hề bận tâm gì đến quá khứ của tôi”.

Với đợt gọi vốn thành công 1,1 tỷ USD lần này, Tokopedia chắc chắn sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với nhiều sàn thương mại điện tử khác. Usman Akhtar - một đối tác tại công ty Bain & Co cho biết: “Tokopedia đã nổi lên như một thế lực lớn trong thời gian gần đây. Sàn thương mại điện tử này đã có nhiều tiến bộ đáng kể về mặt quy mô; và trên thực tế, việc nhận được một khoản đầu tư to lớn cho thấy, một số nhà đầu tư đã xem nó như một trong những kẻ dẫn đầu thị trường trong tương lai”.

Khoản vốn nói trên, theo Tanuwijaya, sẽ giúp hiện thực hóa tham vọng của Tokopedia thông qua việc mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách đầu tư vào logistics, hệ thống thanh toán và các dịch vụ tài chính. Nó sẽ giúp hàng triệu hộ kinh doanh, từ các cửa hàng tạp hóa gia đình cho đến những người nông dân cải thiện lợi nhuận, nhập hàng nhanh hơn và dễ dàng tiếp cận đến các dịch vụ tài chính.

CEO của Tokopedia nói: “Mục tiêu sau cùng của chúng tôi là giúp các doanh nghiệp phục vụ khách hàng của họ tốt hơn. Nếu chúng tôi có thể làm được tất cả các điều kể trên, chúng tôi sẽ tiến gần hơn tới việc hoàn thành sứ mạng đại chúng hóa thương mại, cả trực tuyến lẫn truyền thống, bằng các tiến bộ công nghệ”.

Theo Khởi Vũ/Doanh Nhân Sài Gòn

Có thể bạn quan tâm

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hanel bà Bùi Thị Hải Yến phát biểu

Hành trình 40 năm Hanel: Ngọn cờ tiên phong, bền bỉ cống hiến

Trải qua 40 năm không ngừng sáng tạo và phát triển, Hanel đã khẳng định vai trò tiên phong trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô và cả nước…

Top 100 Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024

Vinh danh doanh nghiệp tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố danh sách 100 doanh nghiệp bền vững tiêu biểu, ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại sự kiện

17 doanh nghiệp Việt Nam giành giải UN Women WEPs Awards 2024

17 doanh nghiệp Việt Nam đã vinh dự nhận được danh hiệu WEPs Awards 2024 của UN Women cho những sáng kiến đổi mới và đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại doanh nghiệp, trên thị trường và trong cộng đồng hướng đến sự thịnh vượng và phát triển bền vững tại Việt Nam…

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Việt Nam có 9 đại diện được vinh danh tại ASOCIO DX Award 2024

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một sự chuyển mình ngoạn mục trong lĩnh vực công nghệ số, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đều đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới...