Trung tâm Thông tin Dịch vụ công TP Đà Nẵng
Trung ương Đảng vừa ban hành Nghị quyết số 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Hà (thành viên tổ biên tập dự thảo Nghị quyết, Ban Tổ chức Trung ương) cho hay, Nghị quyết đề ra bốn nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2021, bao gồm việc giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015. Hiện có bốn triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang), với mục tiêu trên thì nhiệm vụ của các cơ quan trong bốn năm tới là giảm tối thiểu 400.000 biên chế.
Lựa chọn tất yếu
Xã hội hóa dịch vụ công một lần nữa lại được nhắc đến trong nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết số 18. Đây không phải lần đầu tiên lĩnh vực này được xác định là mở ra cho các tổ chức xã hội, hiệp hội và doanh nghiệp tham gia, tuy nhiên, độ mở đến đâu vẫn đang là vấn đề mấu chốt, điều quyết định mức hấp dẫn và tiến độ thực thi xã hội hóa.
Dịch vụ công là hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện chức năng quản lý hành chính và cung ứng các dịch vụ công cộng phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của người dân. Dịch vụ công phong phú và đa dạng, từ việc quản lý nhà nước như an toàn, an ninh, trật tự xã hội đến dịch vụ phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân như giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, thể thao, đi lại, các yêu cầu về giải quyết tranh chấp, bổ trợ tư pháp.
Với dư địa lớn như thế, liệu sức hấp dẫn của xã hội hóa đến đâu? Câu trả lời là đây không phải lựa chọn dễ dàng. Bởi dịch vụ công có tính đặc thù; Chẳng hạn như, dịch vụ công không phải hoàn toàn như dịch vụ thương mại hoạt động theo cơ chế thị trường.
Số lượng cầu dịch vụ là đông đảo người dân trong khi số lượng cung là cơ quan nhà nước có giới hạn phí (giá), do đó, yêu cầu đặt ra, dịch vụ luôn phải bảo đảm ở mức thấp tối thiểu theo hướng phục vụ nhu cầu thiết yếu của cộng đồng dân cư nên chủ yếu là lấy thu bù chi và cuối cùng, số đông người sử dụng dịch vụ không có quyền trực tiếp đàm phán về giá cả với người cung cấp dịch vụ và trong nhiều trường hợp, giá cả là do tổ chức cung cấp dịch vụ quy định với sự kiểm tra, giám sát hoặc được thông qua bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cũng vì đặc điểm này mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu chúng ta không có thể chế tốt thì sẽ không thể thu hút nguồn lực của xã hội vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, và giảm áp lực cho bộ máy hành chính nhà nước.
TS Nguyễn Sỹ Dũng cũng chia sẻ trăn trở, vì sao chúng ta cũng đã triển khai xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn chưa thành công, còn tồn tại nhiều bất cập. Đó trước hết là do nhận thức, sau là do cách thức tổ chức và thực hiện. Xã hội hóa dịch vụ công không phải hoàn toàn là tư nhân hóa, thương mại hóa; bản chất các dịch vụ công là để phục vụ người dân nên khi xã hội hóa các dịch vụ này, các yếu tố thị trường cần được đặt trong mối quan hệ với tính chất công của dịch vụ, ví dụ việc thỏa thuận hoặc qui định phí, giá dịch vụ, việc qui định các tổ chức phi lợi nhuận tham gia các dịch vụ này. Và muốn làm được điều đó thì thể chế hóa một cách rõ ràng, minh bạch.
Bàn tay vô hình của Nhà nước
Là một chuyên gia luật, ông Trần Hữu Huỳnh, chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nhìn vấn đề ở góc độ, muốn bảo đảm tính tường minh, Nhà nước hoặc quy định hoặc thỏa thuận phải bảo đảm đàm phán giá (phí) dịch vụ để người dân được thụ hưởng dịch vụ với giá (phí) hợp lý và chất lượng dịch vụ phải tốt. Bài học từ các vụ BOT gần đây cho thấy nếu không đặt mục tiêu phục vụ người dân lên hàng đầu, xã hội hóa việc xây dựng đường sá, cầu cống theo hình thức BOT... vẫn có thể bị biến thái, dị dạng.
Ông Huỳnh đi vào phân tích, lĩnh vực giáo dục, y tế xã hội hóa chưa thành công là bởi cách làm ồ ạt, thiếu sự chuẩn bị khoa học. Việc chuyển đổi ồ ạt các trường cao đằng, trung cấp lên đại học, thành lập các tổ chức hành nghề y dược tư nhân với việc chuẩn bị chưa tương xứng về đội ngũ thầy thuốc khiến cho hai lĩnh vực thiết yếu này chưa đưa lại được hiệu quả mong muốn, người dân không hài lòng.
Ngược lại, trong lĩnh vực tưởng như rất khó nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, việc xã hội hóa lại khá thành công, ví dụ hoạt động công chứng. Nhiều văn phòng công chứng tư được thành lập gần dân với phí công chứng hợp lý do Nhà nước quy định, hoạt động cạnh tranh với nhau và cạnh tranh với phòng công chứng nhà nước, nhờ vậy mà người dân có được quyền lựa chọn cơ sở công chứng tốt, có thể coi là thành công bước đầu của việc xã hội hóa.
Cùng với công chứng, các hoạt động bổ trợ tư pháp khác như thừa phát lại (làm công việc thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng), quản tài viên (làm một số việc trong thủ tục phá sản) cũng đang được xã hội hóa. Bên cạnh đó, các hoạt động trước đây thuộc độc quyền của Tòa án là giải quyết tranh chấp thì nay, với các định chế như hòa giải, trọng tài thương mại, việc giải quyết các tranh chấp thương mại, kể cả thương mại quốc tế vẫn có thể được giải quyết bởi các tổ chức trọng tài (ví dụ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam- VIAC- đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp thương mại) hoặc hòa giải, ông Huỳnh phân tích chi tiết.
Vậy thì, với thực tiễn đa chiều như trên mang lại bài học gì?
Đó là, việc chuẩn bị cho xã hội hóa các dịch vụ công của Nhà nước không thể thiếu vai trò chủ đạo, song hành của Nhà nước đẻ qua đó đề ra chính sách, ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện, giám sát kiểm tra quá trình xã hội hóa các dịch vụ công, có lựa chọn lĩnh vực, lộ trình, nguồn lực thích hợp.
Với tính chất song hành, Nhà nước có thể vẫn phải giữ lại một số cơ sở dịch vụ công nhằm thực hiện chính sách phục vụ người dân, đặc biệt là người nghèo, dễ bị tổn thương, ít có khả năng chi trả trong các lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, môi trường.
Đồng thời Nhà nước cần tạo ra một môi trường thực sự cạnh tranh giữa các cơ sở tư nhân thực hiện xã hội hóa dịch vụ công nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ này, tạo điều kiện cho người dân có khả năng chi trả được hưởng lợi, đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng cao về giáo dục, y tế, văn hóa, nghệ thuật .
Để giải bài toán Nhà nước “nhỏ” (Nhà nước chỉ làm những việc mà người dân không muốn, không thể làm) nhưng “hiệu quả” (chất lượng quản trị quốc gia cao, chất lượng phục vụ người dân tốt), xã hội hóa dịch vụ công là giải pháp hữu hiệu, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt vừa tạo điều kiên phát triển quốc gia bền vững, lâu dài. Khẳng định này của ông Huỳnh cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia như ông Dũng, bà Lan, bởi cùng một ý, thể chế tốt sẽ là lời giải cho tất cả!
“Vấn đề xã hội hóa dịch vụ công “đang kẹt ở thế của một anh nhà nghèo”, muốn đầu tư công nghệ lại không được thu phí cao để bù đắp và ngược lại. Vấn đề cốt lõi để vận hành thành công cơ chế thị trường đối với các loại hàng hóa dịch vụ là tín hiệu về giá. Cụ thể, trong lĩnh vực thu gom rác và nước thải phải tăng dần mức phí tiến tới bù đắp được toàn bộ chi phí. Người dân được quyền chọn nhà cung ứng phù hợp với năng lực của mình, tăng trách nhiệm giải trình của chính quyền và DN. Bên cạnh đó, cơ chế đấu thầu minh bạch cũng là nền tảng để thu hút các DN tham gia. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách VEPR |
“Những năm qua, thu ngân sách của thành phố Đà Nẵng đạt kết quả tốt nhưng còn phải bù đắp nhiều cho dịch vụ công. Vì vậy cần xây dựng các tiêu chí đánh giá và định mức trong chi tiêu công, nhất là các dịch vụ công ích (thu gom xử lý rác, nước thải, chăm sóc cây xanh, duy tu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình hạ tầng xã hội…). Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng |