Xe đạp Thống Nhất: Thăng trầm một thương hiệu

“Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi. Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh, trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh”.
Xe đạp Thống Nhất: Thăng trầm một thương hiệu

Xe đạp Thống Nhất là một tài sản cực kỳ lớn trong những năm 60 - 70 của thế kỷ trước

“Ông bà anh" của Lê Thiện Hiếu là một trong những bài hát trở thành hiện tượng mạng thời gian qua. Phải nói rằng lời ca thán ngộ nghĩnh trong bài hát về "tình yêu thời Facebook, Zalo" đã chinh phục được nhiều bạn trẻ. Điều đáng nói, lời bài hát vẫn nhắc nhớ về những thời gian khó của ông, của bà – thời chưa có xe máy, ti vi, chỉ có chiếc “xe đạp Thống Nhất” mang màu xanh của thời gian.

Vàng son một thuở

Ngược dòng thời gian, quay trở lại những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, trong ký ức của một thế hệ người lớn tuổi ở Hà Nội, xe đạp Thống Nhất là một tài sản cực kỳ lớn. Trong nhà, xe đạp được để ở vị trí trang trọng, có gia đình còn đặt nó trên một cái giá đỡ bằng gỗ. Thời kỳ đó, xe đạp bắt buộc phải có số khung và thẻ đăng ký, luôn mang theo như giấy đăng ký xe máy thời điểm hiện nay. Chất lượng xe đạp Thống Nhất thời kỳ đó không thua kém các xe nhập khẩu từ Pháp, giá trị có khi lên tới nửa cây vàng lúc bấy giờ. Chính vì thế, xe đạp Thống Nhất là niềm mơ ước của nhiều người, thậm chí còn là niềm tự hào của người Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước.

Thế mới có cảnh, mặc dù bị bom đạn bắn phá tan hoang, nguy hiểm đến tính mạng, phải gấp gáp di tản về các vùng nông thôn nhưng chiếc xe đạp Thống Nhất vẫn được những người dân ở Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc cố mang theo bên mình trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc mọi nơi.

Trong chiến tranh, xe đạp trở thành phương tiện để thồ hàng ra chiến trường

Coi xe như vật báu là vậy, nhưng khi cần, chiếc xe đạp Thống Nhất sẵn sàng được người dân đưa ra làm phương tiện để đèo hàng, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho gia đình ở nơi sơ tán…Xe đạp cũng trở thành những “chú ngựa sắt” để thồ hàng ra chiến trường. Thời đó, nhiều đội quân xe đạp thồ được thành lập, vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc.

Xuyên cùng thăng trầm của lịch sử, nên những chiếc xe đạp Thống Nhất đã trở thành những nhân chứng đồng hành cùng người Việt, chứng kiến đất nước thống nhất và cải cách mở cửa, chuyển đổi mô hình kinh tế từ quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Xe đạp Thống Nhất gắn bó với người dân Việt Nam thời đó là thế nên sự hiện diện của nó cũng được các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đưa vào thơ ca, nhạc kịch… một cách tự nhiên không gượng ép. Bài hát về xe đạp như “Xe đạp ơi” hay “Phượng hồng” với câu hát “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”… một thời đã làm say bao nhiêu trái tim tuổi trẻ thế hệ 7x, 8x giờ vẫn còn được nhiều thế hệ khán giả nghe nhạc yêu thích. Thương hiệu xe đạp Thống Nhất đã đi vào lòng người Việt một cách nhẹ nhàng mà sâu đậm như thế, đúng như khẩu hiệu của công ty: "Nghĩ đến xe đạp, nghĩ về Thống Nhất".

Mong manh cuộc chiến thị phần

Tuy nhiên, khi đời sống kinh tế phát triển hơn, xe đạp Thống Nhất hiện không còn đứng ở vị trí độc tôn nữa mà thay vào đó là xe máy, là ô tô. Để thương hiệu trường tồn mãi với thời gian là một bài toán khó đối với ban lãnh đạo Thống Nhất lúc bấy giờ.

Trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, ban lãnh đạo công ty đã phải phân phối thêm các thương hiệu xe đạp nổi tiếng nước ngoài để tồn tại.

Thống Nhất cũng thừa nhận, mặc dù là một trong những đơn vị có thương hiệu lâu đời, song tới nay, thương hiệu này so với hàng ngoại vẫn có khoảng cách lớn.

Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này được cho là do tâm lý người tiêu dùng sính ngoại khiến các nhà sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh. Một sản phẩm xe trong nước để tên tiếng Việt ít khi được người mua quan tâm, chính vì thế nhà sản xuất phải đặt tên nước ngoài. Cùng với đó, hiện tượng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường không được kiểm soát cũng là một thách thức trong việc giữ uy tín sản phẩm.

Hiện nay thị phần của xe đạp Thống Nhất đã bị san sẻ bởi nhiều thương hiệu khác

Điều đáng nói, từ gần như 100% thị phần tại Việt Nam do Thống Nhất chiếm giữ, giờ miếng bánh đã bị bẻ đi một nữa bởi các loại xe đạp, xe đạp điện xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan với nhiều kiểu dáng, màu sắc đa dạng.

Bên cạnh đó, các thương hiệu xe đạp như Giant, Merida, Wiel, Peugeot, Missile, HK Bike, Newway, Momemtum… cũng bắt đầu mọc lên như nấm tại thị trường Việt Nam.

Tại phân khúc người có thu nhập cao, xe đạp Thống Nhất cũng bị cạnh tranh trong cuộc đua khốc liệt với các dòng cao cấp, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ (Trek), Pháp (Specialized S), Đức (Mecedes Benz), Nhật Bản, Đài Loan… Các chuyên gia trong ngành cho rằng, trong thời gian còn có thêm nhiều thương hiệu xe đạp nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, thậm chí sẽ có một vài dự án lớn đầu tư xây dựng thương hiệu, mạng lưới phân phối lớn tại Việt Nam.

Với các đối thủ trong nước, ngoài chạy đua với các hãng như Viha, Delta, Hitasa, Martin 107, xe đạp Thống Nhất cũng đang phải “đau đầu” trước một thương hiệu quá “nặng ký” đó là xe máy điện VinFast của Tập đoàn Vingroup - vốn đã gây sốt trước đó bởi kiểu dáng thời trang và nhiều tính năng thông minh thể hiện ở các kết nối Internet, 3G, kiểm soát bằng smartphone; điểm đáng chú ý khác đó chính là VinFast đã lên kế hoạch thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và trạm thuê pin trên toàn quốc đến năm 2020, theo ba mô hình: Trạm sạc thường, trạm thuê pin và trạm sạc nhanh.

Để không là thương hiệu “vang bóng một thời”

Mặc dù khó khăn đấy, cạnh tranh khốc liệt đấy, nhưng để thương hiệu Thống Nhất không trở thành “vang bóng một thời”, không muốn đánh mất một thương hiệu từng là niềm tự hào của người dân Việt Nam, ban lãnh đạo của công ty qua các thời kỳ vẫn quyết giữ nguyên nghề đã có truyền thống gần 60 năm qua. Họ không muốn hoài niệm về quá khứ lẫy lừng, họ muốn thương hiệu được tái khẳng định, các sản phẩm phải có sức cạnh tranh trên thị trường và được người tiêu dùng tin tưởng. 

Với quyết tâm xây dựng và củng cố thương hiệu, trước đó Thống Nhất đã quyết định cổ phần hoá để “chuyển mình” một cách mạnh mẽ. Song song đó, ban lãnh đạo công ty đã tập trung đổi mới công nghệ sản xuất phụ tùng, xe đạp hiện đại nhằm rút ngắn khoảng cách về công nghệ so với sản phẩm nhập ngoại. Chỉ tính riêng trong vài năm gần đây, công ty đã mạnh tay chi hàng triệu USD mua sắm thiết bị, công nghệ từ châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Đến nay, công ty đã có hai nhà máy, một tại Thanh Liệt (Thanh Trì) và một tại Cầu Diễn (Từ Liêm - Hà Nội) được đầu tư mới, trang bị đồng bộ các hệ thống thiết bị, công nghệ cho phép sản xuất ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Thống Nhất đã quyết định cổ phần hoá để thương hiệu không trở thành “vang bóng một thời”

Hiện xe đạp Thống Nhất không những đã củng cố và duy trì được vị thế đứng đầu về sản xuất, kinh doanh xe đạp trên thị trường trong nước mà còn củng cố và từng bước tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu. Với hơn 100 chủng loại xe chất lượng và mẫu mã tương đương với sản phẩm xe đạp của các nước hàng đầu trên thế giới như Pháp, Đài Loan, các sản phẩm của xe đạp Thống Nhất đã có mặt khắp các thị trường khó tính nước ngoài như Mỹ, EU, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Malaysia, Singapore...

Tại thị trường trong nước, trong mấy năm trở lại đây, các loại xe đạp địa hình, xe đạp thể thao - thời trang, xe đạp dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên và người thành thị, xe đạp không xích, các loại xe đạp điện và xe đạp chuyên dụng cho người nông thôn, miền núi… cũng đã có sức cạnh tranh rất lớn với các sản phẩm nhập ngoại ở thị trường nội địa.  

Chia sẻ về điều này, ông Vũ Đức Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty CP Thống Nhất cho biết, bên cạnh việc đổi mới công nghệ, sự hoàn thiện của thương hiệu Thống Nhất còn thể hiện ở cách thức kinh doanh được định hướng sau khi tìm hiểu về thị trường, khách hàng và người tiêu dùng.

Với đường lối phát triển được nghiên cứu kỹ cũng như luôn cập nhật xu hướng, mẫu mã, hy vọng thương hiệu xe đạp Thống Nhất sẽ không chỉ trường tồn mãi trong lòng người dân Việt mà còn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới - mặc dù còn nhiều việc phải làm mới mong giữ vững được ngôi vị đó.

 Công ty TNHH MTV Thống Nhất tiền thân là nhà máy xe đạp Thống Nhất, được thành lập ngày 30/6/1960. Đến tháng 9/1993, Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất chuyển thành Công ty Xe máy xe đạp Thống Nhất. Tháng 10/2004, Công ty xe đạp Viha và Công ty Xe đạp xe máy Đống Đa sáp nhập vào Công ty Xe máy xe đạp Thống Nhất.

Đến tháng 11/2005, Công ty chuyển thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Thống Nhất. Tới tháng 1/2012, Công ty chuyển thành Công ty TNHH MTC Thống Nhất và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con cho đến nay.

Có thể bạn quan tâm

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Vinpearl lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á

Với sự nỗ lực không ngừng, Vinpearl đã đạt được một cột mốc đáng ghi nhớ khi lọt top 3 thương hiệu mạnh nhất Đông Nam Á. Thành công này là kết quả của quá trình đầu tư mạnh mẽ vào chất lượng dịch vụ, không ngừng đổi mới và mở rộng quy mô.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao biểu trưng Thương hiệu quốc gia cho đại diện VNPT VinaPhone

VinaPhone 5G và MyTV được công nhận là Thương hiệu quốc gia

VinaPhone 5G và MyTV vừa vinh dự được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của VNPT trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ và khẳng định vị thế hàng đầu trên thị trường...

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel ra mắt sơn ngoại thất siêu cao cấp dành cho các biệt thự

AkzoNobel vừa chính thức giới thiệu đến người tiêu dùng dòng sơn ngoại thất Dulux Weathershield Royal Shine với tính năng tự làm sạch độc đáo. Đây là dòng sơn sở hữu công nghệ Hybrid Mineral tiên tiến, mang đến giải pháp bảo vệ vượt trội lên tới 12 năm dành cho phân khúc dinh thự cao cấp.