Vấn đề trên đã được giải đáp tại hội thảo “Chuyển đối hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và giải pháp hỗ trợ” diễn ra mới đây tại Hà Nội. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức.
Trong nhiều năm qua, các hộ kinh doanh ngày càng tăng trưởng về số lượng, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm và cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế. Vai trò quan trọng của khu vực kinh tế này ngày càng được Chính Phủ, cơ quan ban ngành và xã hội đánh giá cao, đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Vì thế, trong những năm qua Chính Phủ đã có những chính sách khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, để với mô hình doanh nghiệp thì khi hoạt động sẽ càng phát triển mạnh hơn. Đặc biệt chính sách khuyến khích này của Chính phủ được thể hiện rõ rệt tại Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính Phủ và tại Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên tình trạng doanh nghiệp “không muốn lớn” đang là tình trạng phổ biến hiện nay. Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) dẫn dụ, trong một nghiên cứu điều tra mới đây của CIEM được thực hiện với hơn 400 hộ kinh doanh tại 6 tỉnh thành mới đây đã chỉ ra, có đến 11% hộ kinh doanh thuộc diện phải chuyển thành doanh nghiệp, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 lao động trở lên, nhưng chỉ có 5,6% hộ kinh doanh dự kiến sẽ chuyển đổi. Trên thực tế con số chuyển đổi là rất ít.
Đưa giải pháp cho vấn đề này, nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo đã cho rằng, mặc dù việc thay đổi, chuyển đổi các hoạt động của hộ kinh doanh, doanh nghiệp là quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo việc hoạt động một cách hiệu quả thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh và có những nỗ lực thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển, để họ thấy cần thiết và chủ động trong việc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
“Muốn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thì nên dùng các đòn bẩy ‘kinh tế’ hơn là ‘mệnh lệnh hành chính’, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh, và điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư phải thấy được ‘lợi ích’ lớn hơn ‘chi phí’ khi họ thành lập doanh nghiệp” – Ông Phan Đức Hiếu nêu giải pháp.
Còn theo đại diện Tổng cục thuế, thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP theo hướng 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Khi tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử/hóa đơn điện tử có mã thì các thủ tục về hóa đơn như hiện nay sẽ bị bãi bỏ (doanh nghiệp sẽ không phải gửi thông báo phát hành hóa đơn, không phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, không phải gửi thông báo hủy, hỏng hóa đơn).
“Nếu điều này có thể được thực hiện thì nó cũng sẽ đóng góp phần nào cho việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp” – Đại diện Tổng cục Thuế nhận định.
Trước xu hướng chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, đứng trên góc độ ngân hàng, BIDV cho biết đã có nhiều cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng như: Chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ; Chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh; Tài trợ chuỗi giá trị; Chương trình cho vay ủy thác của Quỹ phát triển DNNVV; Chương trình cho vay dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VN SAT)....