Đề xuất xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ

Bộ Tài chính đề xuất nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số cần xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm...

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm

Sáng 15/4, tại trụ sở Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Chủ tịch, Tổng giám đốc một số Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước được tổ chức với chủ đề: Doanh nghiệp Nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho biết, những năm qua, doanh nghiệp nhà nước đạt được nhiều kết quả phát triển tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, phát triển các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước (473 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2023; vốn chủ sở hữu đạt gần 3 triệu tỷ đồng, tăng 61%, tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%, lợi nhuận trước thuế gần 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8% và nộp ngân sách nhà nước gần 400 nghìn tỷ đồng, tăng 9%.

Năm 2025, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các doanh nghiệp nhà nước và đề nghị các cơ quan chủ sở hữu giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% trở lên cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại trong việc thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế; công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới, chưa làm chủ công nghệ lõi trong chuyển đổi số.

Để phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững, Bộ Tài chính đề xuất các cơ quan, doanh nghiệp cần tập trung một số giải pháp chủ yếu.

Đó là tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Tập trung hoàn thiện các quy định để cụ thể hóa các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về chuyển đổi số; đồng bộ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, logistic và hạ tầng thông minh...

Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, ưu tiên phát triển trồng trọt tuần hoàn, phát thải carbon thấp. Các doanh nghiệp nhà nước trong ngành dịch vụ cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, phát triển một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng doanh nghiệp công nghệ trong nước triển khai các nhiệm vụ nội địa hóa các công nghệ nền tảng và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số như Cloud, AI, BigData,… và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này nghiên cứu.

Xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các Quỹ đầu tư công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm… của nhà nước để có nguồn kinh phí triển khai thử nghiệm các công nghệ mới, đổi mới mô hình hoạt động với độ rủi ro cao.

Xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp nhà nước có thể xây dựng cơ chế lương, thưởng theo từng đặc thù công việc và linh hoạt theo nhu cầu thị trường.

Xây dựng chương trình khung chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, phối hợp với các doanh nghiệp nhà nước triển khai các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu và năng lực bảo mật và an toàn dữ liệu, chống tấn công mạng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân sẽ được tổ chức đầu tháng 6/2025

VACOD-HBA dự kiến sẽ phối hợp với Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề vào đầu tháng 6/2025 tại Bình Thuận. Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân một cách hiệu quả nhất…

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Sáp nhập tỉnh thành tạo không gian tăng trưởng mới cho nền kinh tế

Tái cấu trúc địa giới hành chính và liên kết vùng kinh tế được xem là một bước đi chiến lược, thể hiện tư duy đổi mới mạnh mẽ của Việt Nam. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế là cần thiết, song lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp mới là yếu tố then chốt để đảm bảo thành công...

VACOD-HBA chuẩn bị tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

VACOD-HBA chuẩn bị tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Hai hiệp hội có thể sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý Trung ương tổ chức một hội nghị toàn quốc vào khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/2025. Nhằm vừa đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân thông qua đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…