Xu thế chứng khoán ngày 17/8: Hạn chế mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng

Theo dự báo của công ty chứng khoán, diễn biến hiện tại chưa phải là tín hiệu nguy hiểm và trong kịch bản tích cực thì VN-Index vẫn có thể hướng lên các mốc điểm số cao hơn...

Xu thế chứng khoán ngày 17/8: Hạn chế mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng
Xu thế chứng khoán ngày 17/8: Hạn chế mua đuổi các cổ phiếu tăng nóng

Chứng khoán ngày 16/8, cổ phiếu VFS của VinFast đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại Mỹ đêm hôm qua với mức giá 37,06 USD/cổ phiếu, tăng 68,4% so với mức giá chào sàn (22 USD/cổ phiếu) và đưa vốn hóa công ty đạt 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD.

Với thông tin trên, cổ phiếu VIC (nắm giữ 51% vốn của VinFast tương ứng giá trị thị trường hơn 43 tỷ USD) đã tăng hết biên độ ngay từ đầu phiên qua đó dẫn dắt chỉ số VN30 kết phiên tăng 15,71 điểm (+1,27%) lên mức 1.256,95 điểm; vượt đỉnh giá cao nhất ngày 8/8/2023 và VN-Index tăng 9,21 điểm (+0,75%) lên mức 1.243,26 điểm, kiểm tra lại vùng đỉnh giá quanh 1.246 điểm ngày 8/8/2023.

HNX- Index duy trì tích cực tăng 1,11 điểm (+0,44%) lên 252,56 điểm với kỳ vọng hướng đến vùng giá thấp nhất tháng 05/2022 quanh vùng 260 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh gia tăng ở nhiều mã khi có 352 mã giảm giá (4 mã giảm sàn), 296 mã tăng giá (17 mã tăng trần), và 142 mã giữ giá tham chiếu.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 22.947,71 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,23% so với phiên trước, duy trì trên mức trung bình nhưng với mức độ phân hóa mạnh khi áp lực điều chỉnh vẫn gia tăng ở nhiều mã. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE, mức độ bán ròng giảm với giá trị 23,83 tỷ đồng, tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị 25,30 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng tích cực nhất khi chỉ số VN30 vượt đỉnh giá cũ, trong đó nổi bật nhất là VIC (+6,93%) bên cạnh các mã nhóm ngân hàng có diễn biến nổi bật như STB (+4,44%) khi kỳ vọng hướng đến vùng đỉnh giá lịch sử năm 2022, TCB (+3,67%), VPB (+1,82%), FPT (+1,31%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản ở mức trung bình với VJC (-1,08%), MSN (-0,73%), BVH (-0,64%)...

Các cổ phiếu bất động sản đa số có diễn biến tăng giá tích cực, nhiều mã tăng mạnh vượt vùng giá đỉnh cũ với thanh khoản gia tăng như L14 (+8,39%), CEO (+8,12%), TDH (+6,99%), NHA (+4,35%), DIG (+4,01%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh LGL (-2,30%), HDG (-1,76%), SCR (-1,49%), IJC (-1,20%)...

Các cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa mạnh và phục hồi tốt hơn vào cuối phiên, một số mã vượt đỉnh giá cũ nổi bật với VIX (+6,41%), VFS (+4,63%), TVS (+1,26%)... bên cạnh các mã chịu áp lực điều chỉnh nhẹ, thanh khoản dưới mức trung bình như BVS (-1,49%), FTS (-1,07%), BSI (-0,91%)...

Các nhóm ngành khác hầu hết không có diễn biến nổi bật, đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình khi số lượng mã giảm giá chiếm ưu thế hơn số mã tăng giá.

Ảnh chụp Màn hình 2023-08-16 lúc 19.03.14.png
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua

Hạn chế mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng

Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đóng cửa tạo một nến rút chân có dạng Hammer và quay trở lại biên trên của vùng tích lũy 1.220-1.240 điểm. Tuy nhiên, đà tăng trong phiên hôm nay không có được sự đồng thuận ở nhiều nhóm cổ phiếu như những phiên trước mà chủ yếu đến từ nhóm vốn hóa lớn. Chỉ báo RSI sau khi rơi về dưới 70 trong những phiên liền trước thì cũng đã chính thức vượt lên trên 70 trong phiên hôm nay.

Diễn biến hiện tại chưa phải là tín hiệu nguy hiểm và trong kịch bản tích cực thì chỉ số vẫn có thể hướng lên các mốc điểm số cao hơn, nhưng nhiều khả năng sẽ vẫn cần thêm một số phiên tích lũy để tạo nền giá mới chặt chẽ hơn.

Mặt khác, vẫn có khả năng biên độ rung lắc có thể mở rộng hơn trong những phiên tới với mức hỗ trợ ở phía dưới nằm xung quanh 1.200 điểm (+/- 10 điểm), dù xác suất xảy ra nhịp điều chỉnh giảm mạnh ngay trong một vài phiên tới là không cao.

Khuyến nghị nhà đầu tư chủ động cơ cấu lại danh mục theo hướng hạn chế mua đuổi các cổ phiếu đã tăng nóng, mà nên lựa chọn những nhịp điều chỉnh giảm sau các phiên tăng mạnh của cổ phiếu để tăng tỷ trọng.

Cùng với đó, nhà đầu tư cũng nên bám sát diễn biến thị trường trong những phiên tới để sẵn sàng chốt lời các cổ phiếu đã đạt mục tiêu, trong trường hợp thị trường chưa thể bứt phá tiếp vượt 1.250 điểm mà quay trở lại tiếp tục nhịp tích lũy trong vùng 1.220-1.240 điểm.

Chờ đợi những tín hiệu khởi sắc hơn

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Tâm lý của giới đầu tư trở nên tích cực hơn sau thông tin VinFast niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ với mức vốn hóa lên đến 85 tỷ USD, điều đó giúp VN-Index khởi sắc ngay khi mở cửa và duy trì tín hiệu tăng điểm đến hết ngày giao dịch.

Mặc dù tăng điểm, nhưng khối lượng giao dịch không có sự cải thiện nhiều và nằm dưới mức trung bình 20 phiên, vì phần lớn dòng tiền đều tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Vì thế, số ngành giảm điểm vẫn chiếm áp đảo (15/21 nhóm ngành giảm điểm), nên sự đồng bộ với tín hiệu tăng điểm của thị trường chung là chưa có.

Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm những tín hiệu khởi sắc hơn và được sự xác nhận của của thanh khoản thì quay trở lại mở vị thế mua.

Có thể hạ tỷ trọng với các cổ phiếu đã tăng đạt kì vọng

Chứng khoán Agirbank - Agriseco

Thị trường có thể tiếp tục tích lũy trong giai đoạn tới với những phiên tăng giảm điểm xen kẽ.

Nhà đầu tư có thể hạ tỷ trọng với các cổ phiếu đã tăng đạt kì vọng, giữ tỷ trọng tiền mặt trong danh mục ở mức 40-60% để chờ cơ hội tại các nhịp điều chỉnh.

Trong trường hợp giải ngân mới, nhà đầu tư có thể mua tỷ trọng nhỏ với nhóm thu hút dòng tiền như ngân hàng, nhóm vốn hóa lớn hoặc những cổ phiếu còn dư địa trong danh mục tháng 8 của chúng tôi.

Chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp để hạn chế rủi ro T+

Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục ngắn hạn hiện tại và hạn chế mua mới trong giai đoạn này hoặc các nhà đầu tư chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp để hạn chế rủi ro T+.

Bán hạ một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp hồi phục

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Lực cầu gia tăng áp đảo bên bán đã giúp cho chỉ số VN-Index mở rộng đà tăng điểm tích cực và tiếp cận ngưỡng cản gần quanh 1.240 (+/-5) điểm.

Mặc dù áp lực điều chỉnh sẽ ngày một gia tăng trong quá trình đi lên, VN-Index đang có nhiều cơ hội hướng lên vùng kháng cự kế tiếp quanh 1.25x điểm.

Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp tăng vượt đỉnh và chỉ kê mua trở lại khi chỉ số về lại các vùng hỗ trợ.

Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ phục hồi sau dữ liệu lạm phát

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm vào thứ Sáu khi báo cáo lạm phát mới và bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm dịu bớt lo ngại về tình hình tăng lãi suất vào năm sau…