Chứng khoán ngày 15/8, trong phiên giao dịch hôm nay VN-Index chịu áp lực điều chỉnh khi gặp vùng giá đỉnh cũ 1.240 điểm -1.246 điểm ngày 8/8/2023. Kết phiên VN-Index giảm 2,79 điểm (-0,23%) về mức 1.234,05 điểm với khối lượng giao dịch suy giảm.
HNX-Index duy trì tích cực tăng 1,01 điểm (+0,40%) lên mức 251,45 điểm với kỳ vọng hướng đến vùng giá thấp nhất tháng 05/2022 quanh vùng 260 điểm. Độ rộng trên hai sàn niêm yết khá cân bằng với 330 mã tăng giá (24 mã tăng trần), 315 mã giảm giá (3 mã giảm sàn) và 134 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết trong phiên đạt 21.400 tỷ đồng, giảm khá mạnh 17,34% so với phiên trước, trong đó giảm mạnh ở HOSE thể hiện mức độ phân hóa mạnh, số lượng mã chịu áp lực điều chỉnh gia tăng nhưng thanh khoản giảm cho thấy mức độ điều chỉnh đang bình thường.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khá mạnh HOSE với giá trị lên đến 534,06 tỷ đồng trong đó tập trung bán ròng mạnh ở nhóm dịch vụ tài chính, chứng khoán và ngân hàng và bán lẻ, duy trì bán ròng trên HNX với giá trị 19,15 tỷ đồng.
Thị trường đón nhận một số thông tin như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 15/8/2023 đã hạ lãi suất của các khoản vay một năm từ 2,65% xuống 2,5%, thấp nhất từ 2020. Động thái của PBOC diễn ra ngay trước khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế tháng 7 đáng thất vọng, với nhu cầu tiêu dùng yếu, sản lượng công nghiệp và đầu tư trượt dốc, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản 6385/NHNN/CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thị trường phân hóa mạnh trong phiên hôm nay với ảnh hưởng giảm điểm một phần đến từ áp lực bán ngắn hạn của VIC (-3,55%) sau thông tin Vinfast sẽ được niêm yết trên Nasdaq từ ngày 15/8/2023 với ticker là VFS.
Nhóm VN30 đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh với nhiều mã chịu áp lực bán ròng của khối ngoại như SSI (-1,54%), BID (-1,26%), STB (-1,25%), HPG (-0,71%), BCM (-0,41%)... ngoài các mã tăng giá bên cạnh ảnh hưởng mua ròng khối ngoại với VRE (+3,30%), VJC (+1,70%), FPT (+1,69%), VHM (+0,82%)....
Các cổ phiếu nhóm bất động sản phân hóa trái chiều, nhiều mã chịu áp lực điều chỉnh trở lại sau những phiên tích cực như SJS (-4,00%), VPH (-3,35%), NVL (-2,35%), PDR (-1,75%), HDC (-1,60%)... ngoài các mã vẫn tăng giá mạnh, thanh khoản đột biến với L14 (+10,00%), CEO (+9,86%), DRH (+6,89%)...
Một số mã nhóm hóa chất, nông nghiệp, thủy sản… nhóm xuất khẩu phục hồi khá tốt có thể nhờ vào thông tin tình hình tỷ giá USD tăng, tuy nhiên đa phần thanh khoản ở mức trung bình như DGC (+4,09%), CMX (+2,22%), ANV (+0,71%), TAR (+1,88%), LTG (+0,78%)...
Xuất hiện rung lắc và biến động mạnh
Chứng khoán BETA
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều khả năng sẽ xuất hiện rung lắc và biến động mạnh. Nhà đầu tư có tỉ trọng cổ phiếu cao có thể cân nhắc xem xét bảo toàn một phần lợi nhuận đối với những cổ phiếu trong danh mục đã đạt mục tiêu giá; tránh mua đuổi các cổ phiếu có dấu hiệu tăng nóng và cách xa vùng tích lũy.
Giữ tâm lý thận trọng
Chứng khoán BIDV (BSC)
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có giao dịch không mấy tích cực trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên tới.
VN-Index có thể quay về ngưỡng 1.240
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm với biên độ mở rộng trong phiên trước khi hồi phục một phần về cuối phiên. Áp lực bán có phần suy yếu về cuối phiên kết hợp với việc ngưỡng hỗ trợ gần 1.230 cho phản ứng đã giúp chỉ số tránh được một nhịp giảm sâu.
Mặc dù cơ hội mở rộng đà hồi phục của chỉ số vẫn hiện hữu, VN-Index nhiều khả năng sẽ sớm gặp áp lực điều chỉnh trở lại quanh ngưỡng cản gần 1.240 (+-5). Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ một phần tỷ trọng trading ngắn hạn trong các nhịp hồi phục và chỉ kê mua trở lại khi chỉ số về lại các vùng hỗ trợ.
Thị trường có thể biến động hẹp
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)
Thị trường có thể sẽ tiếp tục biến động hẹp và VN-Index có thể sẽ dao động trong vùng 1.230 – 1.240 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu trong phiên tới và dòng tiền có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ đang tỏ ra vượt trội hơn so với thị trường chung cho thấy tính đầu cơ đang diễn ra, điều này cũng thường thấy mỗi khi thị trường vào giai đoạn đi ngang và biến động hẹp với thanh khoản thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục đi ngang cho thấy các nhà đầu tư cũng đang thận trọng.