11/29 cơ quan chưa phân bổ hết số vốn ngân sách nhà nước năm 2024

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu sớm tìm ra giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công…

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ
Việc giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ

Vấn đề này được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề cập tại cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 29 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 2 (theo Quyết định số 235/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Tại cuộc họp Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan khoảng 231.667 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết khoảng 228.567 tỷ đồng, đạt 98,66%. Trong đó có 18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết khoảng 3.100 tỷ đồng, chiếm 1,34%. Số vốn chưa phân bổ hết thuộc 11 cơ quan.

Bộ Tài chính báo cáo về tiến độ giải ngân cho biết, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan: 87.073 tỷ đồng đạt 37,59%, cao hơn mức bình quân cả nước là 34,68%. Trong đó có 8 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước (34,68%), 16 cơ quan giải ngân thấp (10% - 34%), 5 cơ quan giải ngân rất thấp ( dưới 10%).

Bộ cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng chậm phân bổ kế hoạch vốn, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của một số bộ, ngành, địa phương là do: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; giảm nhu cầu so với kế hoạch vốn đã giao; chậm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chưa cân đối đủ nguồn ngân sách đối ứng của địa phương để giao kế hoạch vốn năm 2024; tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa tốt…

anh-pttg-chi-dao-hoi-nghi-sang-308-1724993994877327635891.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Trước những vướng mắc được thảo luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư, mới có thể xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng yêu cầu đến giữa tháng 9 năm nay, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo kết quả rà soát, phân loại các dự án đầu tư công theo nhóm đang thực hiện với cam kết tiến độ rõ ràng và nhóm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế, chính sách pháp luật. Từ đó đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao hoặc phân bổ thêm vốn cho các dự án có khả năng hấp thụ.

"Các địa phương cần chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng…, chỉ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư", Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh, ứng trước nguồn vốn của Trung ương để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án mang tính chất liên vùng, biến đổi khí hậu… trong khi địa phương chưa bố trí được ngân sách đối ứng. Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan đến sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế; xử lý vướng mắc giữa pháp luật về đầu tư và xây dựng; bảo đảm vật liệu xây dựng cho các dự án…

Trước đó, tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đã tập trung thảo luận và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao tiến độ thực hiện dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan, sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm 5.251,476 tỷ đồng (dự kiến) của 6 cơ quan để bổ sung cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp với cơ quan chuyên môn để rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Nam… khẳng định sẽ nỗ lực hết sức, phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu về tỉ lệ giải ngân đề ra của năm 2024 trên tinh thần bám sát nhiệm vụ, gỡ khó kịp thời hoặc nhanh chóng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...