Đề nghị không đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế suất 5%

Các đại biểu Quốc hội đồng tình ý kiến đề nghị giữ mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) như quy định hiện hành…

Việc đánh thuế mặt hàng phân bón sẽ tác động trực tiếp đến người nông dân
Việc đánh thuế mặt hàng phân bón sẽ tác động trực tiếp đến người nông dân

Theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, việc áp thuế GTGT với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản sẽ tác động lớn đến quyền lợi của người nông dân và người tiêu dùng sẽ chịu ảnh hưởng cuối cùng.

Trong Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và tập trung đóng góp ý kiến vào các nội dung: Mức thuế suất 5%; miễn, giảm thuế để khuyến khích lĩnh vực văn hóa phát triển; trách nhiệm của người nộp thuế và cơ quan thuế trong hoàn thuế GTGT và một số vấn đề liên quan khác…

Phát biểu tại cuộc họp, Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa đề nghị giữ mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản thuộc diện không chịu thuế GTGT như quy định hiện hành.

202408290827316875_DSC_3506.jpg
Đại biểu Mai Văn Hải, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Đại biểu Hải lý giải, thuế GTGT là thuế gián thu, người chịu thuế GTGT là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sang chịu thuế suất 5% làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá các mặt hàng này sẽ tăng khi Thuế GTGT (sửa đổi) có hiệu lực, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, theo đại biểu Mai Văn Hải, hiện nay, vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn rất yếu nên để lĩnh vực này phát triển thì không nên áp thuế đối với việc mua bán máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản.

Bày tỏ quan điểm về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông cho rằng, nếu giữ quy định của luật hiện hành thì doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khoản thuế này được tính vào chi phí sản xuất nên sẽ làm tăng giá sản phẩm, từ đó làm giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu.

Đại biểu Mai cũng chỉ ra ưu điểm nếu đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% thì sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chắc chắn là khi tăng giá phân bón thì sẽ tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người nông dân.

Mặc dù theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá nhưng theo quy luật vận hành theo kinh tế thị trường, việc này cũng không thể đảm bảo có diễn ra hay không. Vì Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp giảm giá bán phân bón.

Với lý lẽ nêu trên, đại biểu Dương Khắc Mai chọn phương án là giữ như quy định hiện hành là mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT.

202408290827316632_DSC_3467.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung Hội nghị

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận, có báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án Luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, soạn thảo và cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức nhằm tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Xem thêm

VACOD-HBA và dấu ấn mới dịp mùa thu tháng tám lịch sử

VACOD-HBA và dấu ấn mới dịp mùa thu tháng tám lịch sử

Chủ trì chương trình “Bữa sáng doanh nhân” ngày 24/8, Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn thông tin tới các doanh nghiệp hội viên về kết quả Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2024-2029, cũng như việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới…

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...