12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đồng loạt khởi công vào ngày 1/1/2023

Sẽ đồng loạt khởi công gói thầu đầu tiên tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông Giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) vào ngày 1/1/2023, đạt mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đến nay toàn bộ 12 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật và thời hạn theo Nghị quyết của Chính phủ. 

Theo đó, sáng 1/1/2023, Bộ GTVT sẽ tổ chức lễ khởi công đồng loạt tại 12 dự án/9 tỉnh. Trong đó, 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ), điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) với sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó là 9 điểm cầu (9 gói thầu/09 dự án thành phần) còn lại tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).

Theo Bộ GTVT, lễ khởi công toàn bộ 12 dự án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng; đây là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3000km đường bộ cao tốc, trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

12 dự án thành phần
Đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào 1/1/2023.

Như vậy, thời gian từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần là khoảng gần 1 năm, rút ngắn được ½ thời gian so với các Dự án khi chúng ta thực hiện theo những trình tự thủ tục thông thường.

Theo kế hoạch, ngày 31/12 tới, Bộ GTVT cũng tổ chức khánh thành đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1). Đoạn cao tốc này dài hơn 98km nối Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước, khởi công tháng 9/2019.

Cùng ngày, Bộ GTVT cũng tổ chức thông xe kỹ thuật 3 đoạn cao tốc hoàn thành trong năm nay, gồm: Mai Sơn - QL45 (dài hơn 63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài hơn 100km) và Phan Thiết - Dầu Giây (dài hơn 99km). Các dự án này sẽ đưa vào khai thác trước 30/4/2023.

Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ GTVT cho biết đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước tết Quý Mão (yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023).

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay dự án bám sát các mốc tiến độ yêu cầu. 

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cần tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc để triển khai thi công đồng loạt các dự án bảo đảo tiến độ, chất lượng, an toàn. Các địa phương cần tích cực triển khai giải phóng mặt bằng các diện tích còn lại để bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực thi công.

Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Hiện, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.417km, giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục hoàn thành thêm khoảng 1.600 km.

Có thể bạn quan tâm