Bộ Y tế cho biết lô vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca thứ 4 với số lượng 288.000 liều đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất khuya ngày 25-5. Đây là lô vắc-xin thứ 2 do Bộ Y tế đặt mua thông qua VNVC và lô vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca thứ 4 về tới Việt Nam. Hiện lô vắc-xin này đang được bảo quản lạnh và sẽ thông quan vào sáng 26-5.
Như vậy, đến nay đã có 4 lô vắc-xin AstraZeneca về tới Việt Nam với tổng gần 2,9 triệu liều. Lô đầu tiên gồm 117.600 liều về ngày 24-2, lô thứ 2 của Chương trình COVAX về ngày 1-4 với 811.200 liều, lô thứ 3 của COVAX về ngày 16-5 với 1,682 triệu liều và lô mới nhất 288.000 liều.
Việt Nam chính thức triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 từ ngày 8-3. Tính đến 16 giờ ngày 25/5, đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.034.072 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 28.503 người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc-xin. Đến nay, Bộ Y tế đã đàm phán thành công với AstraZeneca, với Pfizer/BioNTech, với COVAX Facility - một cơ chế chia sẻ vắc-xin cho toàn cầu. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm vắc-xin phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Dự kiến đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 110 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Trong số này có 38,9 triệu liều vắc-xin từ Chương trình COVAX, 30 triệu liều từ AstraZeneca thông qua Công ty VNVC, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech.
Mục tiêu của Bộ Y tế là đến cuối năm có đủ 150 triệu liều vắc-xin Covid-19 để tiêm chủng cho 75% dân số Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ.
Chuẩn bị thử nghiệm vắc-xin Nano Covax nghiệm giai đoạn 3
Giai đoạn 3, vắc-xin Nano Covax sẽ thử nghiệm với khoảng 13.000 tình nguyện viên tại Học viện Quân y và Hưng Yên, Viện Pasteur TP. HCM và Long An, chia thành nhiều giai đoạn nhỏ.
Trước mắt, sẽ tiêm cho 800 tình nguyện viên đã đăng ký, sau đó sẽ tiếp tục tuyển thêm. Liều tối ưu được lựa chọn cho giai đoạn 3 là 25mcg. Theo nhóm nghiên cứu, cả 3 nhóm liều 25mcg, 50mcg và 75mcg đều sinh miễn dịch tương đương, do hiệu quả ngang nhau nên Hội đồng Đạo đức chọn liều thấp nhất để sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu.
Việc thử nghiệm giai đoạn 2 vắc-xin Nano Covax đã hoàn tất từ ngày 8/4, nhưng việc theo dõi sẽ kéo dài trong 1 năm. Dù đang là giai đoạn đánh giá giữa kỳ nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy vắc-xin sinh miễn dịch rất tốt và có hiệu quả với cả biến thể Anh và Nam Phi. Tác dụng với biến thể Ấn Độ sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong giai đoạn 3. Nếu thuận lợi, đến cuối tháng 9, thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ hoàn tất, khi đó Việt Nam có thể sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên.