36 triệu USD hỗ trợ cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chính thức khởi động Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C). Dự án có vốn viện trợ hơn 36 triệu USD, hỗ trợ cho 5.000 doanh nghiệp.

Tham dự Lễ khởi động Dự án có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Duy Đông và Giám đốc USAID Việt Nam, bà Ann Marie Yastishock cùng hơn 300 đại diện các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo các doanh nghiệp khu vực tư nhân tham dự thông qua hệ thống kết nối trực tuyến.

Dự án dành 36 triệu USD để hỗ trợ cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng trong thời gian 5 năm. (Ảnh: Int)
Dự án dành 36 triệu USD để hỗ trợ cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng trong thời gian 5 năm. (Ảnh: Int)

Với những cải cách đổi mới mạnh mẽ thể chế chính sách của Đảng và Nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng trong hơn 3 thập kỷ qua và ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng khoảng 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, đặc biệt là các DN khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do quy mô DN khu vực này còn quá nhỏ bé, thiếu vắng lực lượng có vai trò tiên phong dẫn dắt.

Trình độ quản lý thấp, nguồn nhân lực còn nhỏ bé cả về lượng và chất; tư duy kinh doanh manh mún, ngắn hạn còn khá bổ biến, đa số thiếu chiến lược và tầm nhìn dài hạn.

Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp; năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa đủ tiềm lực hoặc tầm nhìn để mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Đặc biệt, các DN Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Với mục tiêu thúc đẩy thực thi các chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân hiệu quả, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do USAID tài trợ sẽ triển khai các gói hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, xây dựng chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới, tiếp cận thị trường…

Dự án có tổng vốn viện trợ hơn 36 triệu đô la Mỹ và được thực hiện trong thời gian 05 năm (2020-2025). Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng nhằm giúp họ nâng cao năng suất. Hỗ trợ 240 doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng gia nhập thành công thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt; 60 doanh nghiệp tiên phong được nhận các gói hỗ trợ tổng thể, chuyên biệt để tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm Made by Viet Nam.

Để triển khai Dự án hiệu quả và thành công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao Cục Phát triển doanh nghiệp - Cơ quan chủ Dự án chủ trì, phối hợp chặt chẽ với USAID, nhà thầu Deloitte và các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đảm bảo các hoạt động hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm