4 tháng đầu năm, tổng tài sản hệ thống ngân hàng tăng thêm 150.000 tỷ đồng

Theo NHNN, tính đến ngày 30/4, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đạt hơn 11,2 triệu tỷ đồng tăng 150.000 tỷ đồng (tương đương 1,36%) so với cuối năm 2018.

Trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, GPBank, CBBank và OceanBank) là bộ phận có lượng tài sản lớn nhất đạt lần lượt 4,93 triệu tỷ đồng (tăng 1,37%) và chiếm gần 44% tổng tài sản toàn hệ thống.

Khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 41,3% tổng tài sản toàn hệ thống đạt 4,63 triệu tỷ đồng, tăng 1,64% so với đầu năm.

Tổng giá trị vốn tự có của toàn hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 4 đạt 851.795 tỷ, tăng 45.630 tỷ đồng so với thời điểm 30/12/2018 (tương đương 5,66%).

Trong đó, khối ngân hàng ngân hàng thương mại cổ phần có giá trị vốn tự có lớn nhất hệ thống, ở mức 352.305 tỷ đồng, tăng 4,18% so với cuối năm 2018. Đứng sau lần lượt là khối ngân hàng thương mại Nhà nước và ngân hàng liên doanh, nước ngoài với giá trị vốn tự có lần lượt đạt 282.199 tỷ đồng (tăng 5,06%) và 177.037 tỷ đồng (tăng 8,7%).

Trong 4 tháng đầu năm 2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng 1,05% đạt 582.379 tỷ đồng.

Trong đó, vốn điều lệ của khối ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 149.001 tỷ đồng (tăng 0,75%), khối ngân hàng thương mại cổ phần đạt gần 268.872 tỷ đồng (tăng 0,61%), ngân hàng liên doanh và nước ngoài đạt gần 117.000 tỷ đồng, tăng 2,76%...

Như vậy, trong khi tổng tài sản của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài chỉ bằng hơn 1/4 so với các ngân hàng thương mại Nhà nước thì vốn điều lệ của nhóm này đã gần đuổi kịp.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của hệ thống cuối tháng 4 là 12,19%, cải thiện nhẹ so với mức 12,14% hồi đầu năm. Trong đó, CAR của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước là thấp nhất, chỉ đạt 9,61%. Theo nhiều lãnh đạo ngân hàng như VietinBank, BIDV, nếu áp dụng theo chuẩn Basel II, CAR thực tế có thể còn thấp hơn nữa, chỉ quanh mức 8%.

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại nhà nước, NHNN, hiệp hội ngân hàng,…đã liên tục kiến nghị Chính phủ cho phép những ngân hàng này được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ.

Theo Hiệp hội ngân hàng, nếu 4 ngân hàng Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank không nhanh chóng tăng được vốn thì có thể ảnh hưởng đến an toàn hoạt động. Việc các ngân hàng này chậm tăng vốn điều lệ cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn, từ đó có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, giảm thu ngân sách từ thuế.  

 >> BIDV vẫn chưa thống nhất giá bán với KEB Hana Bank

Có thể bạn quan tâm