Bản sắc thường được hiểu như tầm nhìn, văn hóa, triết lý và tính cách mà thương hiệu đang theo đuổi. Rất nhiều công ty thường sa đà vào việc theo đuổi kỹ thuật và sản phẩm, chính sách giá cả, song chính nét “bản sắc” mới có thể mang đến sức mạnh thực sự cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh cũng như “tuổi thọ” trên thương trường.
Suy cho cùng, trong thời đại ngày nay, khách hàng yêu thích việc tìm đến ước mơ, câu chuyện hay phong cách sống hơn là sản phẩm đơn thuần.
Một ví dụ điển hình, “nữ hoàng mỹ phẩm” Estée Lauder, được tạp chí Times bình chọn là một trong những thiên tài kinh doanh có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX. Từ ngày đầu khởi nghiệp, bà đã xác định Estée Lauder sẽ là thương hiệu mỹ phẩm, đại diện cho lối sống thanh lịch.
Bước đầu, các sản phẩm của Estée Lauder đã có mặt ở Saks Fifth Avenue, một trong những chuỗi cửa hàng bách hóa cao cấp. Mọi điểm bán hàng của Estée Lauder đều trở thành một spa nhỏ nhắn, gợi nên hình ảnh thanh lịch, sảng khoái. Hợp tác với các nhãn hiệu danh tiếng hơn và không tham gia vào cuộc cạnh tranh giá thấp là bước đi khôn ngoan để xây dựng hình ảnh cao cấp.
Hàng ngàn phụ nữ hiểu được sức hấp dẫn của Estée Lauder, sự kết hợp giữa sản phẩm và phong thái thanh lịch, đó là giá trị mà thương hiệu này tạo nên được từ những ngày đầu ấy.
Bằng cách truyền đạt câu chuyện thương hiệu, các nhãn hàng sẽ giúp khách hàng cảm thấy gắn bó hơn với những thứ họ sở hữu. Những thương hiệu nhỏ gặp khó khăn trong chuyện xây dựng di sản, các “ông lớn” thì chống chọi giữa việc bảo vệ di sản và cơ hội mở rộng kinh doanh. Vậy, bạn cần củng cố những giá trị cốt lõi nào để xây dựng bản sắc riêng cho thương hiệu?
1. Xác định rõ giá trị
Thương hiệu cũng cần cá tính. Bạn cần hiểu rõ những gì khiến thương hiệu của bạn khác biệt với các đối thủ trên thị trường, và điều có ích nào thương hiệu có thể mang đến cho khách hàng? Hai yếu tố cơ bản này sẽ khiến cho doanh nghiệp bạn tạo dựng trở nên khác biệt và thiết thực hơn với khách hàng.
2. Kiến tạo câu chuyện
Việc xây dựng một câu chuyện sẽ giúp bạn dễ đem hình ảnh thương hiệu ghi dấu trong lòng khách hàng. Đó có thể về những khám phá của người sáng lập hay ước mơ, một thông điệp bạn muốn truyền tải. Những thông tin này khi được chia sẻ rộng rãi sẽ góp phần định vị những tiêu chuẩn cho các yếu tố cốt lõi của thương hiệu.
3. Mang thương hiệu gần hơn với cuộc sống
Sau khi thương hiệu đã có câu chuyện cho riêng mình, điều bạn cần là mang nó đến gần hơn với cuộc sống, với những khách hàng tiềm năng của bạn và đảm bảo rằng những giá trị mà bạn đã xây dựng phù hợp với thực tế bên ngoài.
Đừng quên, thương hiệu cũng có sự sống và sẽ trưởng thành cũng như thay đổi theo thời gian. Vì thế, đừng ngại ngần khi phát triển thêm hoặc giảm bớt những nét tính cách ở thương hiệu cho phù hợp với từng thời điểm.
4. Xây dựng thương hiệu trước khi có khách hàng
Trước khi bắt đầu đưa sản phẩm, dịch vụ vào phục vụ khách hàng, bạn nên nghĩ xa hơn so với việc chỉ chăm chăm vào sản xuất và kiếm lời. Thương hiệu bắt đầu ở hoạt động giao dịch, nhưng trải nghiệm của khách hàng và cảm nhận của họ về nó mới là điều quan trọng.
Việc tạo ra những ấn tượng tốt về thương hiệu phải được bắt đầu trước khi khách hàng quyết định mua. Và chính những giá trị cộng thêm này sẽ giúp bạn “nâng cao” giá trị sản phẩm.
5. Tự đánh giá nỗ lực
Đây là công đoạn để bạn biết thương hiệu của mình đang đi đến đâu. Nếu không có nhiều thông tin trên diện rộng như vị trí trong bảng xếp hạng ngành hàng, hãy tìm kiếm sự đánh giá của chính khách hàng của bạn. Khảo sát khách hàng là một trong nhiều phương pháp hữu hiệu, giúp chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của thương hiệu mà bạn đang xây dựng.