5 năm và 3 “đế chế” ở Sacombank

Từng hoàng kim dưới thời Đặng Văn Thành những năm từ 1996-2011, nhưng Sacombank nhanh chóng đảo chiều cùng khó khăn chồng chất dưới thời ông Trầm Bê chỉ sau 2 năm.
5 năm và 3 “đế chế” ở Sacombank

Sacombank cuối cùng cũng đã tìm được nhà đầu tư mới tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng – ông Dương Công Minh đến từ Him Lam Group. Nhìn lại chặng đường 5 năm gần nhất, nhà băng này đã có tới 3 lần đổi chủ.

Hoàng kim dưới thời Đặng Văn Thành

Trong giới ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung, ít ai không từng biết đến một Sacombank thương hiệu mạnh và luôn nằm trong top đầu nhóm cổ phần tư nhân dưới thời ông Đặng Văn Thành.

20 năm gắn bó và xây dựng, Sacombank đã được ông Đặng Văn Thành xây dựng với một nền tảng vững chắc, trong đó đặc biệt nhất là giá trị con người. Các nhân sự từ quản lý cấp trung đến cấp cao đều được tạo nguồn từ chính nhân viên Sacombank – một nét rất khác so với những nhà băng còn lại. Và những ai đã mang danh Sacombank, từ cấp cao đến cấp thấp nhất, đều một lòng vì sự đi lên của ngân hàng. Điều này thấy rõ nhất ở những giai đoạn sau - khi Sacombank rơi vào khủng hoảng và đổi chủ- hoạt động của các phòng giao dịch, chi nhánh, các phòng ban vẫn “như không có chuyện gì xảy ra”. Còn những người đã có nền tảng ở Sacombank, đã được đào tạo, nuôi dưỡng làm nhân sự “key” nhưng vì một lý do nào đó chuyển qua nhà băng khác, vẫn giữ được những cốt cách của người làm ngân hàng có tâm và có tài thực sự.

Về hoạt động, Sacombank luôn là người tiên phong. Năm 1996, đây là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá tới 200.000 đồng/cổ phiếu, giúp ngân hàng nhanh chóng nâng vốn lên 7.100 tỷ đông – vốn cao hiếm hoi của các ngân hàng thời bấy giờ. 10 năm sau, vào năm 2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn.

Nếu như năm 2005, Sacombank ghi nhận nguồn vốn tự có 1.700 tỷ đồng và mạng lưới tại 31/64 tỉnh thành thì đến năm 2009 vốn đã ở mức hơn chục nghìn tỷ và mạng lưới phủ khắp 3/4 số tỉnh thành. Năm 2009, cổ phiếu STB của ngân hàng này còn được bình chọn là một trong những cổ phiếu “vàng” của thị trường. Các năm từ 2005 – 2010, kết quả kinh doanh đều tăng trưởng trên dưới 50%. Năm 2011 – năm cuối cùng ông Đặng Văn Thành ở lại Sacombank, lợi nhuận đã đạt tới hơn 2.700 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chưa đến 1%.

Cuộc thâu tóm đình đám và khó khăn chồng chất dưới “đế chế” Trầm Bê

Trong số các vụ thâu tóm doanh nghiệp có lẽ thương vụ ở Sacombank là “đình đám” nhất và tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông. Bởi lẽ, đó là cuộc thâu tóm ngược – khi ông chủ của một ngân hàng nhỏ là ông Trầm Bê đến từ Phương Nam và hoàn toàn xa lạ với Sacombank lại nắm gọn ngân hàng này.

Tại thời điểm tháng 5/2012, đại hội cổ đông của Sacombank đã chính thức hóa cuộc chuyển giao với hàng loạt nhân sự mới đến từ Southern Bank nhảy vào quản lý Sacombank, còn các nhà đầu tư thuộc nhóm ông Đặng Văn Thành lại phải rút lui.

Dưới thời ông Trầm Bê, Sacombank vẫn được thừa hưởng những nền tảng được xây dựng trước đó, và, như đã đề cập, nhờ nhân sự trên dưới một lòng nên kết quả kinh doanh duy trì tích cực 3 năm sau đó (2012-2014). Năm 2014, Sacombank và Phương Nam rục rịch sáp nhập và hoàn tất vào năm 2015. Tại thời điểm trước khi sáp nhập, những lo lắng của cổ đông về tình hình Phương Nam đã được ông Trầm Bê trấn an rằng không có vấn đề gì phải quan ngại, vì lãnh đạo ngân hàng đã tính toán rất kỹ và điều gì có lợi cho cổ đông mới làm.

Thế nhưng sau cuộc sáp nhập, thực tế lại không toàn màu hồng như vậy. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy lợi nhuận của Sacombank năm 2015 chỉ còn chưa đầy 700 tỷ đồng và năm 2016 còn chưa nổi 100 tỷ. Lý do là bởi ngân hàng phải dành gần hết lợi nhuận làm ra để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mà Phương Nam mang về sau sáp nhập. Theo kế hoạch đã được NHNN phê duyệt, sẽ phải mất 3-5 năm nữa, cùng với các cơ chế đặc thù mà NHNN tạo điều kiện cũng như chính sách của Chính phủ, Sacombank mới có thể xử lý xong nợ xấu và trở về thời trước khi sáp nhập.

Và vì những sai phạm gây ra cho ngân hàng, ông Trầm Bê và người có liên quan đã phải ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn toàn bộ cổ phần cho Ngân hàng Nhà nước. Số cổ phần của nhóm ông Trầm Bê được cho là tới 53% số vốn của Sacombank tại thời điểm năm 2016.

Kỳ vọng đổi thay dưới thời Dương Công Minh

Ngày 30/6 vừa qua, đại hội cổ đông thường niên 2015, 2016 của Sacombank đã tìm ra ông chủ mới đó là ông Dương Công Minh đến từ Him Lam – một công ty chuyên về bất động sản với hàng trăm dự án đình đám cả nước cũng như khối tài sản khổng lồ.

Ông Dương Công Minh được đánh giá là người vừa có tiền thật, vừa có kinh nghiệm trong cả lĩnh vực bất động sản lẫn ngân hàng, sẽ giúp Sacombank tái cơ cấu thành công và vượt qua khó khăn.

Trước khi đến với Sacombank, ông Minh là chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – một ngân hàng nhỏ hơn Sacombank nhiều và do ông Minh sáng lập. Không kể người liên quan khác, riêng Him Lam sở hữu 15% LienVietPostBank.

Và cũng trước khi ông Dương Công Minh vào Sacombank, còn có những cái tên khác được đề cập như ông Nguyễn Đức Hưởng, hay “lính” của ông Minh đến từ công ty chứng khoán Liên Việt, và thậm chí cả “người cũ” Đặng Văn Thành cùng nhóm các nhà đầu tư nước ngoài…Nhưng tất cả đã trở nên “vô duyên” với Sacombank.

Bên cạnh phần đông ý kiến ủng hộ ông Minh vào Sacombank vì vừa có tiền thực lại vừa có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp Sacombank xử lý nhanh số nợ xấu chủ yếu liên quan đến bất động sản kia, nhanh chóng đưa ngân hàng trở về quỹ đạo cũ của nó, thì cũng có những ý kiến quan ngại rằng, ông Minh vào Sacombank liệu có liên quan đến lợi ích nhóm hay không, có đủ năng lực thực sự hay không?

Trả lời băn khoăn này, phía NHNN đã khẳng định việc lựa chọn ông chủ Him Lam hoàn toàn minh bạch, rõ ràng và không liên quan đến lợi ích nhóm. “ Việc Sacombank mời ông Dương Công Minh tham gia vào quá trình tái cơ cấu, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản là một lựa chọn tốt. NHNN kỳ vọng Sacombank sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu đang tồn tại lớn ở bất động sản” – ông Nguyễn Phước Thanh đã nói như vậy tại ĐHCĐ của Sacombank ngày 30/6.

Những khó khăn ở Sacombank chắc chắn không tránh khỏi khi ngân hàng đang phải ôm khối nợ xấu “khủng” với tỷ lệ lên đến hơn 6,8% tổng dư nợ, bên cạnh khoản lãi dự thu đến hơn 23.000 tỷ đồng cùng hàng chục nghìn tỷ đồng nợ bán cho VAMC. Nhưng ông Minh đang có lợi thế đó là được chính sách hỗ trợ, có những cơ chế riêng về xử lý nợ và quan trọng là một nền tảng Sacombank vững chắc với hệ thống nhân sự hơn 17.000 người đồng lòng, mạng lưới đến nay đã phủ khắp cả nước cùng 1 ngân hàng con và các chi nhánh ở nước ngoài.

Ngay khi vừa đảm nhiệm chức chủ tịch Sacombank, ông Minh đã đưa ra 4 trọng tâm của ngân hàng thời gian tới, thứ nhất là cấu trúc lại quản trị ngân hàng và hệ thống nhân sự quản trị; thứ hai là thúc đẩy kinh doanh; thứ ba là tập trung xử lý nợ xấu; và thứ 4 là tiết giảm chi phí gia tăng lợi nhuận. Trong năm nay, dù mục tiêu ngân hàng đề ra lợi nhuận chưa đến 600 tỷ đồng nhưng ông Minh tự tin có thể đưa ngân hàng đạt trên 1.000 tỷ.

Vạn sự khởi đầu nan, song với nền tảng vững chắc và được ủng hộ, tất cả thị trường sẽ dõi theo những bước đi của ông Dương Công Minh ở Sacombank thời gian tới.

Theo Tùng Lâm/ Trí thức trẻ

>> Cam kết của ông Dương Công Minh trong ngày đầu ngồi ghế nóng Chủ tịch Sacombank

Có thể bạn quan tâm

Toàn cảnh hội thảo

Để ESG dẫn dòng tín dụng

Ngành ngân hàng đang thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh...

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...