6 tháng đầu năm BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so cùng kỳ

Ngân hàng BIDV báo lãi trước thuế 6.570 tỷ đồng trong quý II/2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước.
6 tháng đầu năm BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.570 tỷ đồng.

Đóng góp vào con số 6.570 tỷ đồng lợi nhuận của BIDV, thu nhập lãi thuần tăng 13,1% đạt 14.619 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối mang về 624 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư "thoát lỗ" và ghi nhận lãi thuần 64 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 162 tỷ đồng).

Ngược lại, lãi thuần từ mảng dịch vụ giảm 13,7% mang về 1.502 tỷ đồng. Trong mảng mua bán chứng khoán kinh doanh, ngân hàng ghi nhận lỗ hơn 64 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 122 tỷ đồng.

Dù vậy, nhờ khoản trích lập dự phòng rủi ro giảm tới 2.200 tỷ, tương đương giảm 25%, BIDV lãi trước thuế vẫn ghi nhận mức tăng mạnh gần 41% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này BIDV không chỉ đứng sau Vietcombank, VietinBank, mà còn xếp sau Techcombank, VPBank và MB trong bảng xếp hạng lợi nhuận.

Trong đó, mảng kinh doanh chính 6 tháng đầu năm mang về cho BIDV 27.445 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 15,5%. Ngược lại, lãi thuần từ mảng dịch vụ suy giảm 12,5%.

Tại ngày 30/6/2022, BIDV tiếp tục duy trì vị trí quán quân về tài sản với gần 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm.

Trong hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ các năm trước, trong đó dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng FDI (32,7%), khách hàng bán lẻ (15,8%) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (8,3%). Chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 24.856 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với tăng trưởng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 11,8% với 15.140 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 1,05%. Trong cơ cấu nợ xấu, quy mô nợ nhóm 3 (nợ dưới chuẩn) tăng mạnh gần 48%, tiếp đến là nợ có khả năng mất vốn tăng 18%. Ngược lại, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ có khả năng mất vốn) lại giảm 30%. Tại ngày 30/6, nợ có khả năng mất vốn của BIDV chiếm tỷ trọng 57% trong cơ cấu nợ xấu của ngân hàng.

Xét về cơ cấu nguồn vốn, để có được quy mô kỷ lục gần 2 triệu tỷ đồng, một phần nguyên nhân đến từ sự "đột biến" của tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác và khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, tiền gửi của các TCTD khác đạt 208.128 tỷ đồng, gấp 2,1 lần (đương đương tăng trên 110.000 tỷ đồng). Trong đó, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 104.138 tỷ đồng.

Nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đóng góp phần tăng thêm 59.000 tỷ đồng trong tổng số 217.700 tỷ đồng tăng thêm của quy mô nguồn vốn trong 6 tháng đầu năm.

Năm 2022, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.600 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2022-2025, tổng tài sản của ngân hàng dự kiến tăng trưởng bình quân 8%-12%; dư nợ cuối kỳ tăng 8%-12,5%; huy động vốn tăng trưởng 8%-13%; lợi nhuận trước thuế tăng 19-26%; tỷ nệ nợ xấu dưới 1,5%.

Có thể bạn quan tâm