7 chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 3/2018

Dừng khuyến mại 50% thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước; Siết quản lý ô tô cũ nhập khẩu; Quy định dùng thẻ tín dụng... là những chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 3/2018.
7 chính sách mới của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 3/2018

1. Dừng khuyến mại 50% thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước

Theo Thông tư 47/2017/TT-BTTTT ngày 29/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hạn mức khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất có hiệu lực thi hành từ 1/3/2018, mức tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động có sự thay đổi như sau: Đối với thuê bao di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động (giảm tới 30% so với quy định hiện hành); đối với thuê bao di động trả sau vẫn được hưởng nguyên mức khuyến mại là không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động.

2. Siết quản lý ô tô cũ nhập khẩu

Thông tư 03/2018/TT-BGTVT ngày 10/1/2018 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu thuộc đối tượng của Nghị định 116/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với từng xe theo quy định. Đối với ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định đối với từng lô xe nhập khẩu. Mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại ô tô trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật theo quy định.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện ô tô đã qua sử dụng có sự thay đổi từ nước ngoài về một số thông số kỹ thuật hoặc kết cấu so với xe xuất xưởng ban đầu của nhà sản xuất thì doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất trình các tài liệu của cơ quan quản lý phương tiện nước ngoài với xe đã thay đổi.

Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày đăng ký kiểm tra xe thực tế mà doanh nghiệp nhập khẩu không xuất trình được xe theo hồ sơ đăng ký để kiểm tra thì cơ quan kiểm tra sẽ tạm thời dừng các thủ tục chứng nhận với hồ sơ đó. Để tiếp tục được thực hiện việc kiểm tra thì doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục đăng ký lại từ đầu.

3. Thu tiền sử dụng đất với diện tích tăng thêm

Theo Thông tư 10/2018/TT-BTC ngày 30/1/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về thu tiền sử dụng đất, có hiệu lực từ ngày 20/3/2018, việc thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất tăng thêm do đo đạc lại so với giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được quy định như sau:

Nếu hộ gia đình, cá nhân đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thửa đất đó thì phải nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích tăng thêm do đo đạc lại theo chính sách và giá đất tại thời điểm đã cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã có các giấy tờ về quyền sử dụng đất khác thì nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất tăng thêm theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định công nhận quyền sử dụng đất tăng thêm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

4. Quy định dùng thẻ tín dụng

Theo Thông tư số 26/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 năm 2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 3/3/2018, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước (quy định cũ, đối tượng này cần phải có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này).

Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây.

Ngoài ra, về hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ chỉ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

5. Phối hợp ngăn chặn, điều tra buôn lậu

Có hiệu lực từ ngày 10/03/2018, Nghị định 12/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm. Cụ thể, cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, công an, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khi có yêu cầu.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp ngăn chặn, điều tra, lập hồ sơ và xử lý vi phạm, theo đề nghị của cơ quan hải quan thì cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm: Phối hợp lực lượng, hỗ trợ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện khám người, phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo thủ tục hành chính và áp giải người vi phạm; phối hợp, hỗ trợ lực lượng, phương tiện trong việc lấy lời khai, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, mở rộng điều tra, xác lập chuyên án; phối hợp trong việc lập hồ sơ và xử lý các vụ việc vi phạm.

6. Cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu

Có hiệu lực từ 25/3/2018, Nghị định 17/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bổ sung quy định cơ chế xử lý rủi ro trong chính sách tín dụng. Theo đó, cho phép thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu hoặc chủ tàu đã hoàn thành đóng mới nhưng không đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản, chủ tàu mới tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất khi nhận bàn giao lại tàu và khoản nợ vay từ chủ tàu cũ.

Chính sách cho vay vốn lưu động cũng được sửa đổi. Cụ thể, đối tượng được vay vốn là chủ tàu khai thác hải sản xa bờ; chủ tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ (gọi chung là khách hàng). Việc cho vay vốn lưu động do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

7. 5 trường hợp thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ, công chức

Theo Thông tư 01/2018/TT-BNV ngày 8/1/2018 của Bộ Nội vụ hướng dẫn Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, có hiệu lực thi hành từ 1/3/2018, cán bộ, công chức, viên chức sau khi hoàn thành các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc bị thu hồi chứng chỉ bồi dưỡng trong 5 trường hợp sau: 1- Có sự gian lận trong việc chiêu sinh, học tập; 2- Cấp cho người không đủ điều kiện; 3- Cấp không đúng thẩm quyền; 4- Chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa; 5- Để cho người khác sử dụng.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân cuối cùng trong năm 2024, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA nhiều lần nhấn mạnh những tác động tích cực của hai “cuộc cách mạng” hứa hẹn tạo bước đột phá đối với sự phát triển của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp…

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

Chuyến công tác và những thỏa thuận hợp tác với VACOD-HBA được đối tác Nga, đặc biệt là chính quyền thành phố Saint Petersburg hết sức coi trọng. Những hoạt động của đoàn tại Nga đã gây được ấn tượng sâu đậm với các đối tác Nga...