8 ngân hàng trong danh sách là Vietcombank, Vietinbank, BIDV, An Bình Bank, ACB, MB, VIB và Techcombank. Hiện chỉ BIDV có mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) ở mức Caa1, còn mức xếp hạng BCA của 7 ngân hàng còn lại đều ở mức B2.
Theo Moody’s, động thái này chịu ảnh hưởng từ việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng của Việt Nam ở mức B1 nhưng nâng triển vọng từ ổn định lên tích cực hôm 28/4. Mức xếp hạng của Việt Nam là một yếu tố đầu vào quan trọng để Moody’s đánh giá các ngân hàng bởi nó ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ hệ thống ngân hàng của Chính phủ trong trường hợp căng thẳng.
Nếu Việt Nam được nâng hạng, Moody’s cũng sẽ nâng mức xếp hạng dài hạn của 8 ngân hàng nói trên. Ngược lại, Moody’s sẽ hạ mức xếp hạng của các ngân hàng nếu như hệ thống tín dụng bị xói mòn nghiêm trọng hoặc Moody’s đánh giá rằng khả năng hỗ trợ của Chính phủ yếu đi.
Mức xếp hạng của 7 ngân hàng khác không chịu ảnh hưởng từ động thái đánh giá lại triển vọng kinh tế Việt Nam của Moody's. Đó là HDBank (B2 - ổn định); SHB (B2 - ổn định); Sacombank (B3 – tiêu cực); TPBank (B2 - ổn định); Maritime Bank (B3 – tích cực); VPBank (B3 - ổn định) và OCB (B2 - ổn định)./.
>> Lãi khủng, vì sao Vietcombank vẫn “xén” cổ tức?