8 tháng đầu năm, PNJ thu về gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận

Sau 8 tháng đầu năm 2024, PNJ đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận năm 2024...

8 tháng đầu năm, PNJ thu về gần 1.300 tỷ đồng lợi nhuận

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2024 với doanh thu thuần ghi nhận 26.866 tỷ đồng, tăng hơn 27% với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.281 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cùng kỳ.

Như vậy sau 8 tháng kinh doanh, PNJ đã thực hiện được 72% kế hoạch doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận năm 2024. Xét riêng trong tháng 8/2024, doanh thu PNJ ước đạt 2.245 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế khoảng 63 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm của PNJ, chiếm tỷ trọng lớn nhất (53%) là mảng trang sức bán lẻ, khoảng 14.239 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Để có được sự tăng trưởng khả quan này, công ty đã mở rộng mạng lưới cửa hàng, ra mắt nhiều sản phẩm phù hợp với thị hiếu.

pnj.png

Đứng ở vị trí thứ hai về doanh thu là vàng 24K (chiếm 36,9%), đạt khoảng 9.914 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ nhờ sự sôi động của thị trường trong nửa đầu năm. Còn nguồn thu từ trang sức bán sỉ tăng 28% so với cùng kỳ lên 2.472 tỷ đồng, chiếm 9,2% doanh thu do nhu cầu khách hàng sỉ dịch chuyển về các nhà sản xuất chính quy, bài bản.

Trong 8 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp trung bình của PNJ đạt 16,6%, giảm so với mức 18,6% cùng kỳ năm 2023 do sự thay đổi cơ cấu doanh thu của từng mảng kinh doanh.

Tuy nhiên, công ty cho rằng, trong bối cảnh “gió ngược” của thị trường, biên lợi nhuận gộp trung bình vẫn được duy trì ở mức khá nhờ vào các yếu tố như mức biên lợi nhuận ổn định của kênh lẻ và sỉ. Bên cạnh đó, PNJ đã triển khai các biện pháp tối ưu nguồn lực và nâng cao năng lực vận hành trong sản xuất, bù trừ cho sự giảm lợi nhuận gộp do tăng tỷ trọng từ vàng 24K trong cơ cấu doanh thu.

Theo cập nhật mới nhất của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hiện tại trên toàn hệ thống PNJ không có (hoặc rất hiếm) hoạt động mua bán vàng miếng do thiếu hụt nguồn cung. Người dân chủ yếu mua, và hầu như không có hoặc rất hiếm khi bán lại vàng miếng. VDSC cũng chưa nhận thấy sự thay đổi trong chủ trương quản lý từ các cơ quan chức năng, bởi mục tiêu quản lý xuyên suốt vẫn không thay đổi. Dự kiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung vàng miếng sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Điều này có nghĩa là từ năm 2025 trở đi, PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng. Thực tế, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại nhằm tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức. Vì vậy, PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng.

Sau Nghị định 24/2012/NĐ-CP, nguồn vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang chủ yếu đến từ nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác. Các doanh nghiệp có thể được xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, tuy nhiên trong hơn 10 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào được cấp phép.

Trước đây, vàng nguyên liệu dùng cho sản xuất nữ trang đến từ các nguồn chính: hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng (chiếm tỷ trọng lớn), nhập khẩu bởi cơ quan Nhà nước, nhập khẩu bởi doanh nghiệp, và các nguồn khác. Sau khi Nghị định này ra đời, cơ quan Nhà nước không còn nhập khẩu hoặc cấp phép nhập khẩu, do đó thị trường chỉ còn 2 nguồn chính là hoạt động mua đi bán lại nữ trang đã qua sử dụng và các nguồn khác.

Gần đây, Nhà nước siết chặt quản lý nguồn gốc vàng thông qua các biện pháp như: thanh tra, kiểm tra và tịch thu vàng tại các doanh nghiệp bán vàng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Bắt đầu từ ngày 15/6/2024, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động mua bán vàng sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Việc Nhà nước tăng cường quản lý và giá vàng liên tục tăng cao khiến nguồn vàng mua lại từ người dân và các nguồn khác ngày càng khan hiếm, gia tăng áp lực về nguồn cung vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Nghị quyết 44/NQ-CP được ban hành, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương nhanh chóng rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, nhằm phát triển thị trường vàng ổn định, minh bạch, hiệu quả và bền vững, đồng thời ngăn chặn tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Định hướng lâu dài là ngăn ngừa tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và từng bước đưa nguồn vàng trong dân vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, VDSC nhận định rằng, dù có sự điều chỉnh, hoạt động kinh doanh vàng nói chung và trang sức vàng nói riêng vẫn sẽ tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ nhằm thực hiện các mục tiêu vĩ mô. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung vàng sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm