Cẩn tắc vô áy náy - các cụ đã phải dạy như thế, bởi vì cuộc sống này chẳng ai biết được chữ ngờ. Đôi khi, chúng ta có thể lâm vào cảnh hiểm nghèo theo cái cách chẳng thể lường trước được, ví dụ như... bị chó dại cắn chẳng hạn.
Thế nên, việc học những bí kíp sinh tồn chẳng bao giờ là thừa thãi. Và dưới đây chính là chùm bí kíp cực kỳ hữu dụng mà có thể bạn sẽ cần đến vào một ngày nào đó trong cuộc đời.
1. Khi bị trôi dạt giữa biển
Bạn bị tai nạn giữa biển, và giờ đang lênh đênh một cách vô định trên một cái bè cứu hộ. Thức ăn và nước uống còn rất ít, trong khi đất liền thì chẳng biết ở phương nào.
Nếu lâm vào tình cảnh ấy, hãy nhớ lấy 3 điều sau:
- Thức ăn đầy dưới biển, và bạn cần phải tìm cách lấy được nó. Vào năm 1942, một người Anh đã sống sót sau 133 ngày lênh đênh trên biển nhờ biến dây điện trong đèn pin thành dây câu.
Nếu bạn có đủ nguyên liệu thì có thể làm điều tương tự. Còn nếu không có, hãy thử tạo ra một tấm lưới bằng cách xé vụn quần áo. Đặt lưới xuống nước để thu lấy rong và các sinh vật phù du.
- Tìm nước: nếu như có mưa thì rất tuyệt. Nhưng nếu không có, bạn phải tự tạo ra một chiếc máy lọc theo mô hình sau: 1 bình chứa, 1 cái cốc, 1 tấm bạt không thấm nước và 1 vật nặng. Đổ nước biển vào bình, đặt cốc giữa lòng bình, phủ bạt lên và đặt vật nặng vào giữa bạt. Sau một khoảng thời gian, bạn sẽ có nước để uống.
- Nắng nóng là kẻ thù nguy hiểm nhất, và nó giết bạn còn nhanh hơn cơn đói.
Vậy nên việc đầu tiên cần làm là lấy một ít quần áo che đầu và mắt để giảm bớt tác hại của ánh Mặt trời. Tối ưu nhất là nên làm một cái lều ngay trên thuyền.
2. Khi lạc trong sa mạc
- Nên di chuyển vào ban đêm: Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm trong sa mạc là rất lớn, nhưng cũng nhờ vậy mà bạn có thể di chuyển dài hơn mà cơ thể không bị mất nước quá nhiều.
- Đừng dại lấy nước trong các cây xương rồng: Có một nhầm tưởng rất cơ bản của nhiều người, đó là các cây xương rồng trong sa mạc đều có nước uống được. Tuy nhiên sự thực là hầu hết các loài xương rồng ấy đều có độc rất mạnh, có thể gây chết người nếu uống vào.
3. Khi bị mắc kẹt trong một không gian kín
Bất kể đó là thang máy hay tòa nhà bị sập, thứ quý giá nhất với bạn lúc đó chính là không khí. Để tránh lãng phí chúng, hãy nhớ:
- Cách thở: Hít sâu, nhưng thở ra thật chậm
- Không thắp lửa, dù là diêm hay bật lửa. Lửa sẽ khiến oxy cạn nhanh hơn.
- Không hoảng loạn, không gào thét. Những hành động như vậy sẽ làm tăng nhịp tim, tức là bạn sẽ thở nhanh hơn.
- Lấy áo bọc quanh đầu, nhằm tránh hít phải bụi.
4. Hãy luôn chuẩn bị một bao diêm chống nước
Lửa là thứ quan trọng nhất để sinh tồn trong mọi điều kiện khí hậu. Thế nên, việc chuẩn bị trước một bao diêm có khả năng chống nước là cực kỳ cần thiết.
Bạn không nhất thiết phải lùng mua những bao diêm đắt tiền làm gì. Chỉ cần phủ lên những que diêm thông thường một lớp sơn móng tay trong suốt rồi phơi khô là được.
5. Khi bị rắn độc cắn
Vết thương do một con rắn độc cắn sẽ không bình thường. Nơi bị cắn sẽ rất đau đớn, trong khi máu nhanh chóng chuyển thành đỏ thẫm, thậm chí còn pha một chút xanh. Sau đó, vết thương sẽ sưng phồng lên, còn nạn nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: đau đầu, sốt, mờ mắt, buồn nôn...
Lúc đó chúng ta phải làm gì? Tất cả các bác sĩ đều khuyên rằng bạn không nên hút máu độc ra, vì nếu miệng lúc đó đang bị thương, độc tố có thể tiếp cận não bộ nhanh hơn. Thay vào đó, nên tìm đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để thực hiện chữa trị.
Tuy nhiên, nếu như bị cắn ở giữa nơi đồng không mông quạnh, cách xa khu dân cư, lựa chọn duy nhất của bạn là hút máu độc. Trong trường hợp buộc phải hút, bạn nên thực hiện điều đó càng sớm càng tốt, sau đó súc miệng thật sạch sẽ.
Ngoài ra, không được bịt chặt vết thương, vì nếu độc tập trung tại một chỗ, khu vực ấy gần như chắc chắn sẽ bị hoại tử. Hãy để máu chảy, nó sẽ mang theo một phần độc tố ra ngoài.
6. Khi bị chó cắn?
Dù bị con gì cắn, thì việc đầu tiên bạn cần làm là rửa sạch vết thương bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn. Hãy nhớ, miệng của các loài động vật là một ổ vi khuẩn. Chúng sẽ khiến bạn có nguy cơ nhiễm trùng cực kỳ cao.
Trong trường hợp thấy vết thương chảy máu rất lâu, sau đó sưng tấy đỏ thì hãy cẩn thận. Có thể sinh vật vừa cắn bạn đã mắc phải bệnh dại. Nếu như sau đó bạn bị sốt, vết thương thì ngứa điên đảo, khả năng ấy là trên 90%.
Bệnh dại có thể gây chết người trong vòng 4 - 7 ngày, nên bạn sẽ phải đến bệnh viện để tiêm vaccine trong vòng 1 - 3 ngày kể từ khi bị cắn.
7. Cách phát tín hiệu SOS thật chuẩn
Khi lâm vào cảnh hiểm nghèo mà không có đến một phương thức liên lạc nào khác, tín hiệu SOS(tín hiệu cầu cứu) sẽ là cứu tinh cho bạn. Tuy nhiên, làm sao để phát tín hiệu thật chuẩn thì không phải ai cũng biết.
Về cơ bản, SOS là tín hiệu trong mã Morse, có dạng 3 chấm - 3 gạch - 3 chấm (. . . _ _ _ . . .). Bạn có thể dùng đèn pin để phát tín hiệu: 3 lần chớp ngắn, 3 lần chớp dài, 3 lần chớp ngắn. Sau đó đợi 3s rồi lặp lại tín hiệu.
Nếu như bạn nhận được 3 lần chớp đèn từ phía đối diện, điều đó có nghĩa cứu hộ đang đến giải cứu cho bạn.
8. Cách đốt củi ướt
Lúc bị lạc trong rừng thì nước và lửa là hai yếu tố quan trọng nhất. Nhưng chẳng may củi gỗ trong rừng đều ướt cả thì làm thế nào?
Hãy sử dụng kỹ thuật do người Thụy Điển sáng tạo ra. Đầu tiên, đặt một thanh gỗ theo phương thẳng đứng, dùng dao khoét hình cánh sao trên đầu, sau đó nhồi cỏ khô vào và châm lửa.
Lý do cách này có hiệu quả là vì gỗ thường chỉ ướt ở lớp bên ngoài. Việc châm lửa từ trong sẽ giúp nước bay hơi nhanh hơn, còn củi cũng dễ giữ lửa hơn.
Theo Trí thức trẻ