Trong đó, nợ có khả năng thu là 27.648 tỷ đồng, chiếm 37,4%, nợ phạt vi phạm hành chính và chậm nộp là 18.061 tỷ đồng. Còn lại là nợ khó có khả năng thu hồi lên tới 28.221 tỷ đồng, chiếm 32,8%.
Theo Bộ trưởng, đây là loại nợ do doanh nghiệp giải thể, mất tích, chủ doanh nghiệp đã chết, mất năng lực hành vi, đang thi hành án hình sự...
Hiện, Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát, phân tích theo từng nhóm, từng địa bàn để đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phương án xử lý, bởi việc để khoản nợ đọng lại theo dõi cũng không còn có ý nghĩa.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Dũng, dự kiến số thu ngân sách năm 2017 từ cả 3 khu vực doanh nghiệp sẽ không đạt chỉ tiêu.
Cụ thể, dự kiến năm 2017 thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 92,3% dự toán, khu vực doanh nghiệp FDI ước đạt 95,1% dự toán, ngoài quốc doanh ước đạt 97,2% dự toán.
Về nguyên nhân, theo Bộ trưởng, cả 3 khu vực doanh nghiệp này đều được giao dự toán thu năm nay khá cao. Trong đó, dự toán thu từ khu vực DNNN tăng 8,8% so với năm 2016, khu vực doanh nghiệp FDI tăng 22,9%, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 23,8%.
Theo Bộ trưởng Bộ tài chính thì chỉ tiêu thu ngân sách đặt ra trong năm 2017 cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Một nguyên nhân nữa khiến thu ngân sách khó đạt kế hoạch năm là dù kinh tế khởi sắc nhưng nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Ước tính, cứ thêm 4 doanh nghiệp đăng ký mới thì 3 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản. Do đó, nguồn thu từ khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tín hiệu vui đến từ nỗ lực điều hành cân đối ngân sách đã đạt kết quả. Cụ thể, năm 2017 là năm đầu tiên trong 10 năm qua bội chi được đảm bảo trong dự toán, cả ở con số tuyệt đối và tương đối - Bộ trưởng Dũng khẳng định.
Đồng thời với đó, theo Bộ trưởng, nếu năm 2011 nợ nước ngoài trong nợ Chính phủ chiếm 60%, nợ trong nước 39%. Thì năm 2017, tỷ lệ này đảo ngược khi nợ nước ngoài chỉ chiếm 39%, trong nước chiếm 60%.