ACB "dọn dẹp" dư nợ nhóm 6 công ty bầu Kiên xuống còn 558 tỷ đồng

Nhờ đẩy mạnh thu hồi nợ, tăng trích lập dự phòng nên Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã giảm nhanh dư nợ nhóm 6 công ty, và dự kiến sẽ giảm về 0 đồng vào cuối năm 2017.
ACB "dọn dẹp" dư nợ nhóm 6 công ty bầu Kiên xuống còn 558 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính soát xét của ACB, tính đến 30/6/2017, tổng số dư nợ vay nhóm 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng này đã giảm 387 tỷ đồng so với đầu năm, còn lại 3.527 tỷ đồng. Trước đó, thời điểm xảy ra đại án sai phạm tại ACB, ngân hàng ghi nhận khối nợ của nhóm 6 công ty này là hơn 5.000 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2012, chủ yếu nợ nhiều nhất ở chứng khoán đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Đến cuối quý 2/2017, ACB đã thực hiện trích lập dự phòng cho nợ của nhóm 6 công ty là hơn 2.967 tỷ đồng.

Giá trị tài sản đảm bảo còn lại đến 30/6 theo tính toán là 3.576 tỷ đồng. Trong số này, có 2.623 tỷ đồng giá trị cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác đang niêm yết. ACB cho biết một phần cổ phiếu được bên thứ ba đặt mua và trả tiền cọc. Số tiền cọc 416 tỷ đồng đã sử dụng để trả nợ ACB.

Thời điểm cuối năm 2012, giá trị cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay 6 công ty là 3.458 tỷ đồng.

Từ 2012-2016, ngân hàng ACB đã rất khổ sở xử lý dọn dẹp khối nợ nghìn tỷ của nhóm 6 công ty sau khi xảy ra đại án sai phạm, cả dàn lãnh đạo cấp cao trong HĐQT, ban giám đốc bị khởi tố, bắt giam, xét xử ở mức hình phạt rất nặng cho nhóm tội phạm kinh tế. 

Suốt 5 năm qua, báo cáo tài chính của ACB luôn khoanh riêng các khoản nợ nhóm 6 công ty, được ghi nhận vào nợ nhóm 2 (chưa phải nợ xấu). 

Cuối năm 2015, ACB đã trình và được NHNN thông qua lộ trình thu hồi nợ kéo dài từ năm 2015-2018. Sau đó một năm, ACB điều chỉnh lại lộ trình này để rút ngắn và dự kiến kết thúc khoản nợ này ngay cuối năm 2017. 

Ngày 7/12/2016, ACB đã gửi công văn đến NHNN về việc trích lập bổ sung để rút ngắn lộ trình thu hồi nhóm nợ này và kết thúc vào năm 2017 và đã được NHNN phê duyệt. Do đó, ACB đã trích lập thêm 800 tỷ đồng trong năm 2016 so với lộ trình thu hồi nợ nêu trên. Lộ trình thu hồi nợ sẽ được điều chỉnh lại với số tiền thu hồi trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 2.016 tỷ đồng.

Lãnh đạo ACB chia sẻ với cổ đông, đến thời điểm này, nợ xấu sau trích lập dự phòng của nhóm này còn lại 1.500 tỷ đồng. Năm 2016, ACB thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình năm nay, ACB tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi. 

Từ mức dư nợ 8.667 tỷ đồng và dự phòng trích lập chỉ 249 tỷ đồng vào hồi cuối năm 2012, tới nay, quy mô khoản nợ sau trích lập dự phòng là 558 tỷ đồng.

>> Vì sao ACB miễn trừ trách nhiệm xử lý “sự vụ đặc biệt”?

Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng nào "gặt hái" lợi nhuận lớn nhất quý 1/2025?

Ngân hàng nào "gặt hái" lợi nhuận lớn nhất quý 1/2025?

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo nhờ vào các yếu tố như tín dụng mạnh mẽ, đặc biệt là sự hồi phục của thị trường bất động sản, tín dụng tiêu dùng, cho vay nhà ở, cùng với sự phục hồi của nhóm khách hàng cá nhân…

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để điều hành lãi suất?

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để điều hành lãi suất?

Theo dự báo của ông Trần Ngọc Báu, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ hạ lãi suất, hạ nhanh hay chậm thế nào phụ thuộc sẽ vào câu chuyện dịch chuyển vốn ngoại, và lãi suất ở đây là cả trên thị trường 1 (thị trường dân cư) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng)...