Ai, cơ quan nào của Hà Nội phải chịu trách nhiệm sau vụ 8B Lê Trực?

Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề  tại công trình 8B Lê Trực để đảm bảo sự công bằng của pháp luật.
Ai, cơ quan nào của Hà Nội phải chịu trách nhiệm sau vụ 8B Lê Trực?

Phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực

Vụ lùm xùm ở công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) xảy ra đã hơn hai năm nay nhưng cho tới giờ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một công trình nằm ngay ở trung tâm Thủ đô - trái tim của cả nước, vậy mà suốt hai năm qua vẫn còn dang dở, chưa thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng, gây mất mĩ quan thành phố.

Tôn trọng ý kiến khách quan, đa chiều, Tạp chí Thương Gia online đăng tải bài viết của một Tiến sĩ trong ngành xây dựng về vấn đề này với mong muốn góp thêm ý kiến để sớm giải quyết sự việc trên. Chúng tôi mong rằng sau bài viết góp ý này sẽ nhận được phản hồi từ phía Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng. 

Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 91 Luật Xây dựng năm 2014 về Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị quy định: “phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Đây là quy định bắt buộc, là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ thì công trình 8B Lê Trực chỉ có một quyết định điều chỉnh quy hoạch duy nhất là Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ký điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tại lô đất có ký hiệu L30 của Công ty Cổ phần May Lê Trực với các chỉ tiêu:

Cụm nhà ở chung cư cao 17 tầng, khối đế 5 tầng, có văn phòng và trung tâm thương mại, tổng cộng 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1 m.

Vậy việc cấp giấy phép xây dựng số 11 của Sở Xây dựng là căn cứ vào quy hoạch chi tiết nào?

Căn cứ theo Khoản 2 Điều 51 quy định về trình tự tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 thì:

“Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đô thị xem xét, quyết định việc điều chỉnh cục bộ bằng văn bản trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị”.

Tại Điều 52 quy định về điều chỉnh đối với 1 lô đất trong khu vực quy hoạch, Luật Quy hoạch 2014 quy định:

“Trong trường hợp cần phải điều chỉnh ranh giới hoặc một số chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị để thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình tập trung hoặc công trình riêng lẻ trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào Quy chuẩn về Quy hoạch đô thị;

Điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị hoặc khu vực, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị để quyết định việc điều chỉnh thông qua việc cấp giấy phép quy hoạch theo quy định tại Điều 71 của Luật này”.

Tòa nhà Lê Trực (Ảnh: VietTimes)

Tại mục a Khoản 5 Điều 71 về thẩm quyền cấp giấy phép quy hoạch quy định: "Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép quy hoạch cho dự án trong các đô thị tỉnh lỵ, thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm c và các dự án trong các đô thị quy định tại điểm b khoản 1 Điều này”.

Mục b khoản 5 Điều 71 cũng quy định: “Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Cấp giấy phép quy hoạch cho các dự án không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này”.

Tuy nhiên, trong toàn bộ hồ sơ xây dựng nhà 8B Lê Trực cũng không xuất hiện 1 loại giấy phép quy hoạch nào do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Vậy thì việc cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD của Sở Xây dựng căn cứ vào đâu?

Trong khi toàn bộ hồ sơ chỉ có duy nhất một quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết như đã nói ở trên.

Mặc dù trong hồ sơ còn rất nhiều loại văn bản như: Ý kiến của Bộ Xây dựng, Ý kiến của Chính phủ, của các Sở ban ngành và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, nhưng tất cả những loại giấy tờ này chỉ là những văn bản không đủ cơ sở pháp luật để thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD – SXD của Sở Xây dựng như các quy định đã nêu trên.

Nếu theo đúng quy định pháp luật, sau khi nhận được ý kiến của các cơ quan hữu quan, ý kiến của Chính phủ thì Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội phải chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật để trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phê duyệt điều chỉnh như Quyết định 2452 QĐ-UBND đã nêu trên.

Như vậy, trên cơ sở các pháp luật quy định về cấp giấy phép xây dựng thấy rằng, việc cấp giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD là không có căn cứ pháp luật.

Tòa nhà 8 B Lê Trực nhìn từ đường Hoàng Văn Thụ (Ảnh: VietTimes)

Căn cứ mục a, Khoản 1 Điều 101 Luật Xây dựng 2014 thì: “giấy phép xây dựng được cấp không đúng quy định của pháp luật phải được thu hồi”.

Vì vậy, giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD cần phải được thu hồi và hủy bỏ.

Việc Ủy ban nhân dân quận Ba Đình tiến hành phá dỡ tầng 19 và 20 công trình 8B Lê Trực cũng chưa tuân theo các quy định của pháp luật.

Cụ thể: Căn cứ mục b Khoản 2 Điều 118 Luật Xây dựng năm 2014 về phá dỡ công trình xây dựng: “Phá dỡ công trình phải được thực hiện theo phương án, giải pháp phá dỡ được duyệt, đảm bảo an toàn và đảm bảo môi trường”.

Trên thực tế, khi tiến hành phá dỡ tầng 19 và 20 của công trình 8B Lê Trực khi chưa có phương án, giải pháp phá dỡ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đây là việc coi thường pháp luật, cần phải được xem xét xử lý!

Căn cứ mục c Khoản 3 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 thì: “Người có thẩm quyền quyết định phá dỡ công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả do không ban hành quyết định, quyết định không kịp thời hoặc quyết định trái với quy định của pháp luật”.

Từ việc Công trình 8B Lê Trực dư luận cho rằng trong việc xử lý công trình này mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, chủ đầu tư kêu oan nhưng hầu như không được xem xét?

Nói như vậy là bởi hiện nay ngay tại Hà Nội còn rất nhiều công trình vi phạm trật tự kiểu này, tại sao vẫn tồn tại?

Nhân dân, doanh nghiệp thì mất tiền nhưng những người quản lý về mặt trật tự xây dựng của Thành phố có chịu trách nhiệm không?

Dư luận cho rằng, với công trình 8B Lê Trực chủ đầu tư cũng có những điểm sai, nhưng các cơ quan Quản lý Nhà nước và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng có sai sót trong việc điều chỉnh quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng thì sẽ xử lý thế nào?

Vấn đề này rất cần có câu trả lời từ Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.

Để giải quyết vấn đề này, Thanh tra Chính phủ cần sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề nêu trên để đảm bảo sự công bằng của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…