Các công cụ AI đang ngày càng trở nên chân thật, mở ra nhiều tiềm năng cho việc ứng dụng công nghệ này trong các mặt khác nhau của đời sống.
Chẳng hạn, AI có khả năng tham chiếu chéo một mạng lưới phức tạp về lịch sử, phong cách và bối cảnh công trình, giúp nó có thể trở thành một công cụ tuyệt vời trong lĩnh vực kiến trúc. Mặt khác, bằng cách sử dụng phương pháp học bằng trí tuệ nhân tạo, các nhà nghiên cứu từ Khoa Nha khoa tại Đại học Hồng Kông đã tạo ra một thuật toán có độ chính xác cao để tạo ra mão răng giống với hình thái và cơ chế sinh học của răng tự nhiên.
Tuy nhiên, AI đã đạt được những tiến bộ đáng kể đến mức nhiều chuyên gia lo lắng rằng mọi người sẽ sớm không thể phân biệt đâu là thật đâu là giả và thế giới sẽ bước vào thời hoàn kim của thông tin sai lệch.
Trên thực tế, một cuộc thăm dò mới của Concured, một hệ thống đề xuất nội dung do AI cung cấp, đã chứng minh cho những lo ngại đó. Kết quả là hơn một phần ba người Mỹ không thể nhận biết được bức nào là ảnh chụp địa danh thật và bức nào được tạo ra bởi một công cụ AI.
Xóa mờ ranh giới thực ảo
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nhiều người không thể phân biệt giữa ảnh chụp khuôn mặt thật và ảnh do phần mềm AI tạo ra.
Sophie Nightingale, một nhà tâm lý học tại Đại học Lancaster ở Anh, đã nghiên cứu kiểm tra xem liệu các tình nguyện viên có thể phân biệt giữa ảnh chụp được tạo bởi hệ thống AI có tên StyleGAN2 và ảnh thật hay không. Kết quả cho thấy AI có khả năng tạo ra những khuôn mặt không thể phân biệt được với người thật.
Bà Nightingale nói: “Trung bình mọi người thường lựa chọn một cách khá ngẫu nhiên. Về cơ bản, chúng thực tế đến mức mọi người không thể cảm nhận một cách đáng tin cậy sự khác biệt giữa những khuôn mặt nhân tạo đó và khuôn mặt của những người thực sự tồn tại.”
Wasim Khaled, giám đốc điều hành của Blackbird.AI, một công ty giúp khách hàng chống lại thông tin sai lệch cho biết: “Các công cụ AI sẽ trở nên tốt hơn, chúng sẽ trở nên rẻ hơn và sẽ đến một ngày bạn không thể tin được bất cứ điều gì bạn nhìn thấy trên internet”.
Thật vậy, AI đang ngày càng phát triển để trở nên chuẩn xác hơn.
Trước đó, công nghệ này có một nhược điểm lớn. Chúng thất bại trong việc tạo ra bàn tay con người sống động như thật. Các bộ dữ liệu đào tạo AI thường chỉ nắm bắt được các phần của bàn tay. Điều đó thường dẫn đến hình ảnh bàn tay phình to với quá nhiều ngón tay hoặc cổ tay duỗi thẳng, một số dấu hiệu cho thấy đó là hình ảnh giả được tạo ra từ AI.
Nhưng vào giữa tháng 3, Midjourney, một nhà sản xuất hình ảnh bằng công cụ AI tạo tác nổi tiếng, đã phát hành một bản cập nhật phần mềm dường như đã khắc phục được sự cố này. Các nghệ sĩ thử nghiệm nhận định rằng công cụ này đã tạo ra những hình ảnh gần như hoàn hảo.
Hany Farid, giáo sư pháp y kỹ thuật số tại Đại học California ở Berkeley, cho biết: “Trước khi xác định tất cả những chi tiết đáng ngờ, một người bình thường sẽ nghĩ: 'Được rồi, có bảy ngón tay ở đây hoặc ba ngón tay ở kia, đó có thể là đồ giả'. Nhưng khi AI bắt đầu hiểu đúng tất cả những chi tiết này… những manh mối trực quan trở nên kém tin cậy hơn”.
Trí tuệ nhân tạo đang nhanh chóng trở nên tốt hơn trong việc bắt chước thực tế, đặt ra những câu hỏi lớn về cách kiểm soát nó. Và khi các công ty công nghệ cho phép mọi người tạo ra hình ảnh giả, âm thanh và video tổng hợp cũng như văn bản nghe giống con người một cách thuyết phục, ngay cả các chuyên gia cũng thừa nhận rằng họ đã gặp khó khăn.
Irene Solaiman, chuyên gia chính sách và an toàn tại công ty AI Hugging Face, cho biết: "Tôi nhìn những sản phẩm tạo tác này nhiều lần trong ngày và rất khó phân biệt được chúng. Đó sẽ là một chặng đường khó khăn phía trước".
Nhiều chuyên gia nói rằng thật dễ dàng để thấy sức mạnh ngày càng tăng của AI có thể gây ra tác hại xã hội nghiêm trọng như thế nào khi áp dụng cho các chủ đề nghiêm túc hơn. Họ lập luận rằng với thông tin sai lệch tràn lan trên mạng, AI sẽ sớm trở thành một công cụ mạnh mẽ cho những kẻ muốn thao túng sự hiểu biết của công chúng về thực tế bằng những hình ảnh giả mạo có khả năng tạo ra lịch sử thay thế, gây bất ổn chính trị và thậm chí đe dọa hệ thống tài chính.
Lấy độc trị độc?
Trớ trêu thay, khi công nghệ tạo hình ảnh bằng AI tiếp tục được cải thiện, cách tốt nhất để con người khỏi bị đánh lừa có thể lại là một hệ thống AI khác, một hệ thống được đào tạo để phát hiện hình ảnh nhân tạo. Các chuyên gia nói rằng khi quá trình tạo hình ảnh AI phát triển, các thuật toán được trang bị tốt hơn con người để phát hiện một số dấu vết nhỏ ở quy mô pixel của quá trình tạo ảnh bằng công cụ AI.
Hàng loạt các công ty đã xuất hiện để cung cấp các dịch vụ nhằm xác định xem ảnh, văn bản và video là do con người hay AI tạo ra. Các công ty công nghệ lớn cũng không phải ngoại lệ. FakeCatcher của Intel tuyên bố có thể xác định các video deepfake với độ chính xác 96%, một phần bằng cách phân tích pixel để tìm các dấu hiệu tinh tế của dòng máu chảy trên mặt người. Trong khi đó, Google cũng đang giới thiệu các công cụ tìm kiếm hình ảnh mới sẽ giúp xác định hình ảnh do AI tạo ra và các hình ảnh giả mạo khác.
Ở phía chính phủ liên bang Mỹ, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng có kế hoạch chi gần 30 triệu USD trong năm nay để chạy Semantic Forensics, một chương trình phát triển các thuật toán để tự động phát hiện deepfakes và xác định xem chúng có độc hại hay không.
Ngay cả OpenAI, cha đẻ của công cụ AI ChatGPT gây chấn động vào cuối năm ngoái, cũng đã ra mắt một công cụ miễn phí vào tháng 1 để giúp phân biệt giữa văn bản do con người soạn thảo và văn bản do trí tuệ nhân tạo viết.
Yong Jae Lee, một nhà khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin–Madison, cho biết việc tạo các chương trình truy lùng AI này hoạt động giống như bất kỳ công cụ học máy nào khác.
Ông Lee cho biết: “Bạn thu thập một bộ dữ liệu gồm các hình ảnh thực và bạn cũng thu thập một bộ dữ liệu gồm các hình ảnh do AI tạo ra. Sau đó, bạn có thể đào tạo một mô hình học máy để phân biệt hai loại này”.
Ông Lee và các chuyên gia khác nhận xét rằng những hệ thống này vẫn có những thiếu sót đáng kể. Hầu hết các thuật toán như vậy được đào tạo dựa trên hình ảnh từ một trình tạo AI cụ thể và không thể xác định hình ảnh giả được tạo bởi các thuật toán khác nhau. Đồng thời, chúng cũng thiếu giao diện thân thiện với người dùng, điều đã thu hút rất nhiều người dùng thử các hệ thống AI.
Ngoài ra, các trình phát hiện AI sẽ luôn phải tranh giành để theo kịp các trình tạo hình ảnh AI. Một số trong số các chương trình AI tạo tác cũng kết hợp các thuật toán phát hiện tương tự, nhưng chúng được sử dụng như một cách để tìm hiểu làm thế nào để sản phẩm đầu ra khó bị phát hiện hơn.
Wael AbdAlmageed, phó giáo sư nghiên cứu về khoa học máy tính tại Đại học Nam California cho biết: “Cuộc chiến giữa các hệ thống AI tạo ra hình ảnh và hệ thống AI phát hiện các hình ảnh tạo tác sẽ trở thành một cuộc chạy đua vũ trang. Tôi không thấy bên nào có thể giành được chiến thắng sớm.”