Ám ảnh "cây gậy thần kỳ - margin call”

Với tổng giá trị cho vay giao dịch ký quỹ (margin) tại 15 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường xấp xỉ 22.000 tỷ đồng, margin call (yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ) đang là
Ám ảnh "cây gậy thần kỳ - margin call”

Phần nổi

Con số hơn 22.000 tỷ đồng dư nợ cho vay đang được nhắc nhiều trên thị trường là số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III của 15 công ty chứng khoán, tăng khoảng 16% so với đầu năm. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng giá trị margin toàn thị trường ước đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với đầu năm.

Những công ty chứng khoán có thị phần cao trong quý III/2016 đều là những công ty chứng khoán có dư nợ margin cao. Đứng đầu về margin hiện nay vẫn thuộc về Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cùng một số công ty thuộc danh sách margin “nghìn tỷ” như Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty Chứng khoán TP. HCM (HCM), Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty Chứng khoán VNDirect…

Theo lãnh đạo VNDirect, dư nợ margin tại Công ty đang ở ngưỡng khá cao (trên 2.000 tỷ đồng vào cuối tháng 10/2016), cao hơn so với mức đỉnh cũ (tháng 3/2015).

"Nếu tỷ lệ dư nợ vay margin trên tổng giá trị chứng khoán sở hữu nhỏ hơn 40% thì vẫn ở ngưỡng an toàn. Còn nếu hệ số margin trên toàn thị trường vượt quá mức 40% và tiệm cận 50% sẽ gây rủi ro cho thị trường"- Ông Dương Văn Chung.

Thông thường, các công ty chứng khoán cho vay theo tỷ lệ 50:50 (nhà đầu tư có 50 triệu đồng sẽ được vay 50 triệu đồng), khi giá trị khoản đầu tư giảm xuống 15% (bao gồm cả vốn của nhà đầu tư và khoản ký quỹ của công ty chứng khoán), nhà đầu tư sẽ được yêu cầu nộp thêm tiền hoặc tài sản vào tài khoản để duy trì tỷ lệ ký quỹ. Nếu nhà đầu tư không thực hiện, cổ phiếu sẽ bị bán giải chấp (tất nhiên, trước khi thực hiện, công ty chứng khoán sẽ phải thông báo cho nhà đầu tư).

Như vậy, nếu công ty chứng khoán thực hiện đúng quy định về cho vay ký quỹ, họ thường nắm đằng chuôi (vì cổ phiếu đủ điều kiện ký quỹ phải đáp ứng nhiều điều kiện về thanh khoản, quy mô, chất lượng…).

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán SHS cho biết, việc sử dụng margin trong đầu tư chứng khoán là điều phổ biến và bình thường đối với các công ty chứng khoán và nhà đầu tư, nên việc dư nợ cho vay tăng trong bối cảnh thị trường tăng điểm (VN-Index tăng 17% so với đầu năm) và quy mô cũng như giá trị giao dịch trên thị trường lớn hơn là hợp lý.

Điều quan trọng, theo ông Hiển, là cách sử dụng và kiểm soát mức độ margin của nhà đầu tư và công ty chứng khoán sao cho hợp lý với từng thời điểm. Về điểm này, nhận thức của nhà đầu tư và hệ thống quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán đã tốt hơn trước rất nhiều.

Thị trường tăng mạnh luôn đi kèm với margin tăng và rủi ro cũng tăng, thực tế này đã quá quen thuộc với nhà đầu tư.

Theo các công ty chứng khoán, để xác định lượng margin có gây rủi ro cho thị trường, không thể dùng số đo tuyệt đối dựa trên việc sử dụng số đo giá trị dư nợ vay trên tổng giá trị chứng khoán sở hữu.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc đầu tư, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, nếu tỷ lệ này nhỏ hơn 40% thì vẫn ở ngưỡng an toàn. Còn nếu hệ số margin trên toàn thị trường vượt quá mức 40% và tiệm cận 50% sẽ gây rủi ro cho thị trường. Nếu nhà đầu tư liên tục nộp tiền vào để đối ứng với số vay thì hoàn toàn không đáng ngại. Song theo nhiều ý kiến, hiện tượng “căng” margin sẽ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index. 

Tảng băng chìm

Khẳng định của nhiều công ty chứng khoán cho thấy, họ tự tin với năng lực quản trị rủi ro trong lĩnh vực cho vay ký quỹ. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư am hiểu thị trường, những con số trên không dàn đều cho các nhà đầu tư, mà thường tập trung ở nhiều “tay to” và những người “say sóng”.

Margin cũng là “cây gậy thần kỳ” của nhiều “đội lái” để tham gia tung hứng giá cổ phiếu trên thị trường.

Kịch bản thường thấy là, một nhóm nhà đầu tư muốn đánh lên giá chứng khoán, họ có trong tay một lượng lớn cổ phiếu, nhưng không có tiền. Họ dùng lượng cổ phiếu này ký quỹ để vay tiền, mua thêm cổ phiếu. Cùng với nhiều thông tin về hoạt động doanh nghiệp được đưa ra, giá cổ phiếu đã tăng hơn gấp đôi so với giá mua.

Nhờ margin, quá trình tạo thanh khoản và nâng giá vô cùng thuận lợi. Nếu nhóm nhà đầu tư bỏ ra 100 tỷ đồng ban đầu, công ty chứng khoán cho vay tiếp 100 tỷ đồng để nhóm nhà đầu tư này mua cổ phiếu. Khi họ mua và đẩy giá cổ phiếu lên, tài sản đảm bảo của họ tăng, công ty chứng khoán tiếp tục cấp thêm tiền cho các nhà đầu tư mua cổ phiếu. Khi giá cổ phiếu tăng gấp đôi, nhà đầu tư từ chỗ ban đầu chỉ phải bỏ ra 100 tỷ đồng (đi vay) đã sở hữu tài sản lên đến 400 tỷ đồng.

Margin cũng là “cây gậy thần kỳ” của nhiều “đội lái” để tham gia tung hứng giá cổ phiếu trên thị trường.

Khi giá cổ phiếu tăng, thanh khoản vọt lên, nhà đầu tư sẽ từ từ bán ra cổ phiếu đang được thị trường săn đón, thu về 100 tỷ đồng trả nợ công ty chứng khoán. Vậy là họ vẫn còn 300 tỷ đồng. Trong trường hợp giá cổ phiếu giảm 20%, thậm chí 30%, “đội lái” vẫn có thể tiếp tục bán ra cổ phiếu, thậm chí công ty chứng khoán bán giải chấp vẫn trên giá  vốn họ bỏ ra. Chỉ có những nhà đầu tư đua theo đội lái sẽ “lãnh đủ thua thiệt” vì thường mua vào cổ phiếu ở mức giá không còn rẻ.

Margin là công cụ để không ít công ty chứng khoán chạy đua thị phần. Cách phổ biến nhất mà công ty chứng khoán nhỏ áp dụng để thị phần vọt lên là đổ tiền cho vay giao dịch ký quỹ và tăng rủi ro trong cho vay giao dịch ký quỹ (nới lỏng tỷ lệ cho vay, tăng số lượng mã đầu cơ trong danh sách các cổ phiếu được margin…), giá trị giao dịch ở những công ty chứng khoán như vậy có thể thay đổi nhanh chóng. Vấn đề đặt ra là, tiền ở đâu ra để công ty chứng khoán rót mãi cho nhà đầu tư? Đồng thời, nếu công ty chứng khoán cho vay ký quỹ không chuẩn, vi phạm quy định, khi khách hàng thua lỗ, rất dễ dẫn tới khiếu kiện.

Vụ việc tại Công ty Chứng khoán Phú Hưng là một ví dụ. Công ty này đã cho khách hàng vay ký quỹ không đúng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và bán giải chấp cổ phiếu NT2 khi chưa có sự đồng ý của khách hàng.

Khiếu kiện xảy ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào cuộc xác minh và đã ra quyết định xử phạt Chứng khoán Phú Hưng 150 triệu đồng do vi phạm các quy định về cho vay ký quỹ, còn nhà đầu tư cũng chưa giải quyết được quyền lợi của mình, vì nếu Công ty không chịu nhượng bộ, chỉ còn nước đưa vụ việc ra tòa.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mang nặng tính đầu cơ, một tỷ trọng lớn tiền vay ký quỹ đổ vào các mã chứng khoán có tính đầu cơ cao. Vì thế, nếu thị trường giảm điểm mạnh, áp lực bán giải chấp vô cùng lớn.

Cổ phiếu đến ngưỡng giải chấp sẽ tự động được bán ra, tập trung ở một số mã. Khi bên cung ồ ạt, bên cầu thiếu vắng, áp lực giảm điểm càng mạnh hơn. Điều này vô hình trung gây tác động tiêu cực đến những mã cổ phiếu khác, tác động đến cả những cổ phiếu của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt. Nhiều nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường là hình ảnh xấu khiến thị trường chứng khoán giảm độ hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư. 

Ứng xử với margin

Khảo sát bạn đọc của Báo Đầu tư Chứng khoán điện tử cho thấy, trong 500 phiếu tham gia, chỉ có một nửa nhà đầu tư tỏ ra e ngại với con số 22.000 tỷ đồng cho vay ký quỹ trên thị trường và cho biết sẽ cân nhắc kỹ khi sử dụng dịch vụ này trong thời gian tới. 

Ở góc độ phân tích, ông Nguyễn Thế Hiển, Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, trong ngắn hạn, khả năng VN-Index vượt qua vùng kháng cự 690 điểm một cách thuyết phục không lớn. Bởi vậy, SHS khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế sử dụng margin để hạn chế rủi ro trong trường hợp thị trường diễn biến bất lợi.

Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lượng margin trên thị trường hiện tại tương đối nóng và đạt mức cao so với một hai năm trở lại đây. Mặc dù vậy, xem xét bối cảnh từ đầu năm, xu hướng nới lỏng trong chính sách tiền tệ giúp dòng tiền, qua nhiều con đường, được duy trì tốt trên thị trường cổ phiếu và ghi nhận sự cải thiện tương đối tích cực.

Mặt khác, các công ty chứng khoán lớn đều đã và đang có các phương án tăng vốn để mở rộng quy mô. Do đó, mức tăng trưởng của lượng margin trên thị trường có thể chấp nhận được.

Các chuyên gia này cũng cho rằng, xu hướng giảm điểm của thị trường rõ rệt hơn chiều tăng điểm, bởi vậy, việc sử dụng margin cần sự thận trọng của cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Dẫu vậy, thị trường là đa chiều, vẫn tồn tại quan điểm từ nhiều công ty chứng khoán cho rằng, “thị trường vẫn đang ở ngưỡng an toàn”. 

Theo Hoàng Anh – Anh Việt/ĐTCK

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...