Cùng trò chuyện với Tổng đạo diễn Cao Trung Hiếu để khám phá thêm về sự kiện có một không hai này.
Xin chào anh! Đêm nhạc quốc tế trực tuyến United We Stream Asia trên Cầu Vàng Đà Nẵng đã gây ấn tượng đặc biệt với khán giả yêu nhạc. Anh có thể chia sẻ thêm một số điều đặc biệt của buổi biểu diễn này?
Đây là buổi diễn đầu tiên của United We Stream Asia (UWSA) ở ngoài trời, trong một khung cảnh vô cùng đáng nhớ là Cầu Vàng, cây cầu đã làm nên một biểu tượng mới cho du lịch Đà Nẵng.
Với chất lượng hình ảnh và âm nhạc cao hơn hẳn các video trước của UWSA và mang một màu sắc khác biệt. Buổi livestream đã thu hút được khoảng 10.000 view và được livestream cả trên UWSA và United We Stream (UWS) quy mô thế giới. Đêm diễn đã được Mixmag Asia -tạp chí lớn của giới DJ đưa tin, VTV News và Viện Goethe hợp tác bảo trợ truyền thông cho chương trình. Đây là điều hiếm có với các chương trình chơi DJ thông thường.
Tại sao lại là Cầu Vàng chứ không phải là một quán bar hay không gian trong nhà như thường thấy, thưa anh?
Cộng đồng âm nhạc UWS và UWSA thường chơi ở trong nhà, ở các quán bar và đã diễn ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Lúc đầu nhóm nghệ sĩ UWS đề xuất chơi ở hai quán bar lớn tại Đà Nẵng và Hội An. Tuy nhiên khi tổ chức ở Đà Nẵng, tôi chợt nghĩ tại sao mình không diễn ở ngoài trời, giống như những buổi livetream music đình đám thế giới từng diễn ra ở tháp London hay Hồ muối Salar de Uyuni ở Bolivia.
Cầu Vàng như một “đài vọng cảnh” của Đà Nẵng, từ trên Cầu Vàng có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Vì vậy, khi thực hiện buổi diễn ở Đà Nẵng nhất định tôi phải thực hiện ở Cầu Vàng. Đó luôn là ước mơ của tôi, được nung nấu trong mỗi lần tôi dẫn bạn bè, khách lên Bà Nà. Trên góc độ nghệ thuật, tôi muốn tạo ra một sân chơi cho nghệ sĩ. Và hơn thế nữa, chúng ta có thể thông qua sự kiện để quảng bá yếu tố văn hóa, du lịch, nghệ thuật của Đà Nẵng tới bạn bè quốc tế.
Tôi đã liên hệ phía Sun World Ba Na Hills và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình. Ngay lập tức ý tưởng đã được hiện thực hóa.
Vậy còn các nghệ sĩ, làm thế nào để có được sự thống nhất của họ?
Nghệ sĩ luôn muốn biểu diễn ở một khung cảnh không thể nào quên được và Cầu Vàng chính là khung cảnh như thế. Bởi vậy, chúng tôi không khó khăn khi thuyết phục các nghệ sĩ tham gia, đây là một cơ hội rất lớn dành cho họ. Điều quan trọng cuối cùng là lựa chọn âm nhạc để phù hợp với bối cảnh, sao cho âm nhạc và không gian có thể hòa quyện, tôn nhau lên.
Chúng tôi đã cùng thống nhất chủ đề của buổi diễn và các nghệ sĩ phù hợp. Ngoài dòng nhạc Tech-house do DJ Pinki biểu diễn, còn thêm vào âm nhạc dân gian đương đại và âm hưởng truyền thống với màu sắc điện tử, có sự góp mặt của nhóm Tiny Giant và nghệ sĩ Lý Trang để phù hợp với khung cảnh Cầu Vàng.
Thực tế, đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ được diễn trong một sân khấu đẹp như vậy và họ đã rất phấn khích.
Tại sao anh lại nghĩ rằng âm hưởng dân gian đương đại sẽ phù hợp với không gian Cầu Vàng?
Chúng tôi muốn mang đến cho khán giả buổi diễn chưa từng thấy bao giờ. Ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên có một buổi diễn như thế này. Ngay cả người nước ngoài cũng chưa bao giờ làm được buổi diễn livetream âm nhạc ngoài trời trong khung cảnh ngoạn mục như thế này ở Việt Nam.
Khi nắng chiều xuống, ánh lên, toàn bộ cầu Vàng phát sáng, hay lúc hoàng hôn xuống, sương tràn vào, toàn bộ cầu Vàng có một màu tím dịu. Những màu sắc ảo diệu như chốn thần tiên đó rất phù hợp với phong cách âm nhạc dân gian đương đại. Rất may mắn là ngay trước màn diễn buổi chiều thì trời đầy sương mù, nhưng vừa bắt đầu thì nắng lên, hình flycam đã bắt được khoảnh khắc cầu Vàng tỏa sáng khi Tiny Giant trình diễn. Khi Trang Lý trình diễn, mặt trời bắt đầu lặn, bầu trời như nhuộm tím, sương mù tràn vào làm cho Trang Lý trông như một nàng tiên với mái tóc bay bay. Cảnh Trang Lý đánh violin ở giữa cầu rất thơ mộng. Buổi tối xuống thì không gian cực kỳ sôi động, bàn tay cầu Vàng sáng lên, background là toàn bộ thành phố đã lên đèn, khi đó DJ Tuệ Anh chơi dòng Tech-House sôi động, mang đến cảm giác về một thành phố không ngủ. Nhóm Tiny Giant dùng nhạc cụ truyền thống dân tộc như đàn đáy, khèn lá, xúc sắc, chũm chọe. Trang Lý lại sử dụng đàn violin đặc biệt chỉ có 3 dây. Điều đó mang đến âm hưởng dân gian đương đại rất đặc biệt.
Chúng tôi đã tính toán trước những màn biểu diễn này, làm sao để tận dụng được khung cảnh tuyệt đẹp của Cầu Vàng, từng góc đã được chúng tôi khảo sát kỹ và tính toán cả về thời tiết để lên được từng cảm xúc khác nhau cho từng phần biểu diễn.
Khi chương trình phát sóng, khán giả cực kỳ ngạc nhiên với sân khấu này, kể cả về âm nhạc và khung cảnh Cầu Vàng. Lượng tương tác rất cao trên facebook và lượng người hỏi về địa điểm, tên nghệ sĩ, âm nhạc… rất lớn. Khán giả cũng khen cầu Vàng có vẻ đẹp tuyệt vời, choáng ngợp. Chương trình này được khán giả so sánh với những chương trình biểu diễn nhạc điện tử trực tuyến được tổ chức bởi Cercle (tổ chức giới thiệu các nghệ sỹ nhạc điện tử và điểm đến hàng đầu thế giới) hay những buổi biểu diễn của Sub Focus (DJ nhạc điện tử nổi tiếng thế giới, thường phát trực tuyến các buổi diễn của mình trên nền tảng số).
Qua đêm nhạc trực tuyến này, anh và các nghệ sỹ muốn gửi gắm điều gì tới khán giả?
Buổi livestream được thực hiện vào tháng 7 trước khi Covid-2 ập đến, nhưng tháng 10 chúng tôi mới phát sóng. Chúng tôi nghĩ rằng thời điểm này du khách đã bớt đi lo lắng về Covid-2 và đây là thời điểm thuận lợi để lôi kéo du khách trở lại Đà Nẵng.
Chúng tôi muốn mang đến thông điệp về một Việt Nam an toàn và mến khách tới thế giới, và lan tỏa tinh thần lạc quan trước dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục làm những chương trình như thế này ở khu vực miền Trung như Hội An, Huế…, hoặc Hà Nội và các địa phương khác, ở những địa điểm độc đáo chưa từng thấy, nơi có những cảnh đẹp đại diện cho đất nước và con người Việt Nam, mang màu sắc âm nhạc Việt Nam cùng những nghệ sỹ Việt tài năng để làm những buổi biểu diễn có hàm lượng nghệ thuật cao và lan toả nó tới cộng đồng nghệ thuật và bạn bè thế giới.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!